Tuần qua, cái kết đẹp bằng một đám cưới cổ tích giữa cặp đôi nam nữ chính trong bộ phim 'Hạ cánh nơi anh' của Hàn Quốc nhưng phiên bản đời thực đang thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ. Còn với thị trường tài chính, câu hỏi: Facebook hay giờ công ty mẹ là Meta sẽ hạ cánh nơi đâu cũng đang là tâm điểm.
Lần đầu tiên sau 18 năm thành lập, lượng người dùng hàng ngày của Facebook sụt giảm. Người dùng giảm, tức dữ liệu có được từ họ cũng giảm theo. Mà với một công ty hoạt động theo mô hình nền tảng dựa trên dữ liệu thì đây chính là đòn chí mạng, tác động trực tiếp tới nguồn thu từ bán quảng cáo.
Không còn 'một mình một chợ'
Không quá để nói Facebook đang 'tứ bề thọ địch'. Trước tiên là từ các đối thủ kinh doanh khi Apple đã tung đòn trực diện.
Táo khuyết đã thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách về quyền riêng tư trên hệ điều hành iOS. Bao gồm nghiêm cấm hành vi thu thập và chia sẻ một số dữ liệu nhất định, trừ khi người dùng cho phép. Dự kiến 10 tỷ USD, tức 1/4 tổng lợi nhuận năm ngoái của Facebook sẽ 'bốc hơi' với quy định của Apple.
Còn khi so sánh chi phí quảng cáo cùng hiệu suất thành công thì trong nhiều lĩnh vực Facebook đang thất thế với một số mạng xã hội.
Facebook của Mark Zuckerberg đang ngày càng đối diện nhiều hơn sự cạnh tranh (Ảnh: Shutterstock)
Theo khảo sát của công cụ hỗ trợ quảng cáo Agora Pulse, với cùng một số tiền bỏ ra quảng cáo trên Facebook và Youtube thì số lượt share, nhấp chuột và dùng thử sản phẩm đã cho thấy, mạng xã hội của CEO Mark Zuckerberg không còn 'một mình một chợ nữa'.
Chưa kể sự xuất hiện của nhiều người chơi mới đang 'cướp' người dùng của Facebook như Tiktok. Rõ ràng, các đối thủ kinh doanh đều đang muốn bóp nghẹt Facebook.
Các đối thủ kinh doanh đều đang muốn bóp nghẹt Facebook.
Châu Âu ngày càng mất niềm tin vào Facebook
Còn về phía các chính phủ thì sao? Tại quê nhà, bóng ma chống độc quyền đang được cả 2 nhánh hành pháp và lập pháp Mỹ liên tục sử dụng. Ủy ban thương mai liên bang Mỹ kiện Facebook dùng việc mua lại Instagram và WhatsApp để duy trì vị thế độc quyền.Còn phía bên kia bờ Đại tây dương, dự kiến 1 đạo luật về dữ liệu sẽ được Liên minh châu Âu EU đưa ra ngay cuối tháng 2 này. Việc truyền dữ liệu ra ngoài phạm vi 27 nước thành viên sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng lớn tới Facebook.
'Không dùng Facebook nữa, thì đã sao', đây là phản ứng chung của nhiều người châu Âu và cả lãnh đạo nhiều nước châu Âu khi Meta ngụ ý rút Facebook và Instagram khỏi châu lục này. Đạo luật Dữ liệu của Ủy ban châu Âu mà dự kiến công bố cuối tháng Hai này đề xuất áp đặt nhiều biện pháp ngặt nghèo, hạn chế truyền dữ liệu khách hàng châu Âu ra bên ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu.
Những quy định liên quan chủ yếu tới các nền tảng trực tuyến của Mỹ, trong đó có Facebook. Phía châu Âu khẳng định, luật là luật, kinh doanh trên đất châu Âu thì phải tuân thủ luật châu Âu.
Meta dọa rút khỏi châu Âu đang làm dấy lên phong trào chủ động xoá tài khoản Facebook và Instagram
'Chúng ta sống khoẻ khi không có Facebook, và chúng ta vẫn sẽ sống rất khoẻ mà không cần Facebook. Những tập đoàn kỹ thuật số kiểu này không quen bị kháng cự. Chúng tôi quyết tâm kháng cự, nhân danh chủ quyền châu Âu', ông Bruno Le Maire - Bộ trưởng Tài chính Pháp nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết: 'Sau khi tài khoản Facebook của tôi bị tấn công, thư riêng bị công bố công khai, tôi đã xoá tài khoản. Tôi đã sống không Facebook, không Twitter trong 4 năm qua, thật là tuyệt vời. Họ có rút đi thì tôi cũng không bận tâm'.
Tôi đã sống không Facebook, không Twitter trong 4 năm qua, thật là tuyệt vời
Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck
Lời đe doạ của Facebook thực ra không nhằm vào châu Âu, mà chủ yếu nhằm tạo sức ép buộc phía Mỹ phải đàm phán với châu Âu một hiệp định về trao đổi dữ liệu có lợi hơn cho doanh nghiệp Mỹ.
Cho đến lúc này, dữ liệu người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu vẫn được chuyển về California (Mỹ) lưu trữ và xử lý, theo những quy định pháp lý lỏng lẻo, về mức độ bảo mật thì lại càng mù mờ. Đạo luật Dữ liệu khi có hiệu lực sẽ đơn phương tạo một hành lang pháp lý chặt chẽ, giành lại quyền tự chủ về dữ liệu cho phía châu Âu.
'Tôi nghĩ rằng phải quan tâm đến những gì đã xảy ra. Chúng ta đã quá ngây thơ. Châu Âu là một lục địa cởi mở, chúng ta sẽ tiếp tục như vậy, điều đó rất quan trọng. Nhưng chúng ta cũng phải rút ra hậu quả từ những gì đã xảy ra, nhằm bảo vệ doanh nghiệp châu Âu. Không có nghĩa là bảo hộ, mà là mọi thứ phải rành mạch và có thể dự đoán được', ông Thierry Breton, Cao uỷ châu Âu về Thị trường nội địa nhấn mạnh.
Châu Âu là một thị trường quan trọng của Meta. Quý cuối năm ngoái, 1/4 doanh số toàn cầu của Meta là từ châu Âu. Mỗi người dùng Facebook hay Instagram tại châu Âu mang về cho hãng mỗi năm 19,7 USD cao gấp rưỡi mức trung bình toàn thế giới.
Nhưng càng ngày, Facebook ngày càng mất uy tín tại châu Âu, sau hàng loạt bê bối xâm phạm quyền riêng tư cá nhân và lạm dụng dữ liệu người dùng. Meta dọa rút khỏi châu Âu đang làm dấy lên phong trào chủ động xoá tài khoản Facebook và Instagram.
Tiên phong hay chậm chân trong Metaverse?
Trong năm ngoái, Facebook chấp nhận 'đốt' hơn 10 tỷ USD cho bộ phận chuyên nghiên cứu về nền tảng phần cứng và phần mềm cho Metaverse. Nhưng liệu rằng, Metaverse của Facebook đã thật sự đủ sức đưa hãng chuyển mình sang kỷ nguyên mới?
Sau khi CEO Mark Zuckerberg công bố việc đổi tên công ty thành Meta, cụm từ 'metaverse' đã nhanh chóng trở thành một trong những từ khóa dẫn đầu trên Internet. Số lượt tìm kiếm từ khóa này đã tăng gấp 20 lần trên Google, mà trong đó, phần lớn các trích dẫn đều có liên quan tới Facebook.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, Facebook có vẻ như 'có tiếng mà chưa được miếng'. Hãng này chỉ mới chính thức tung ra nền tảng thế giới ảo đầu tiên của mình - Horizon World cuối năm ngoái, chủ yếu tập trung mang game.
Với Metaverse, Facebook có vẻ như 'có tiếng mà chưa được miếng'
Trong khi đó, các trò chơi thế giới ảo tương tự như Roblox và Fortnite, hiện đã thu hút tới hơn 100 triệu người dùng thường xuyên, chủ yếu là giới trẻ. Không chỉ những đối thủ đi trước, mà metaverse của Facebook còn dường như thất thế trước những tay chơi cạnh tranh trực tiếp như là Snap.
'Khi nhìn vào Snap, ta có thể thấy họ đang tiến rất gần đến Metaverse, với những tính năng như tạo avatar 3D, có thể thay đổi phục trang như thật trên kính AR. Tôi nghĩ chúng hơn hẳn các tinh năng mà Facebook đang có hiện nay', ông Brent Thill - Chuyên gia phân tích, Ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết.
Giới chuyên gia đầu tư cũng chỉ trích tầm nhìn Metaverse của Facebook là quá rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực và không có trọng tâm sinh lời rõ ràng
Giới chuyên gia đầu tư cũng chỉ trích tầm nhìn Metaverse của Facebook là quá rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực và không có trọng tâm sinh lời rõ ràng. Điều này rất khác biệt với dự án Metaverse của Microsoft, khi chỉ tập trung vào thế mạnh là nền tảng cho các doanh nghiệp.
'Metaverse là lớp nền tảng tiếp theo mà chúng tôi xây dựng khi không gian thực tế và ảo của các doanh nghiệp ngày càng xích lại với nhau. Ứng dụng Mesh nhằm tạo ra trải nghiệm chia sẻ xuyên suốt cho các thành viên công ty ngay trên Microsoft Teams', Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết.
Không thể phủ nhận khả năng khuấy động sân chơi vũ trụ ảo Metaverse mà Facebook đã tạo ra. Nhưng để tiên phong thì vẫn là dấu hỏi lớn. Còn chậm chân trước các đối thủ thì đã đã thấy rõ. Mark Zuckerberg cần thay đổi để không trở thành 'bình mới, rượu cũ'.
Bỏ Facebook, nhiều người dùng chạy sang Tiktok hay Youtube, thế nhưng đây lại là 2 trang mạng đang thu thập dữ liệu thông tin nhiều nhất. Và trong khi Youtube, thuộc Google, sử dụng các dữ liệu đó để bán quảng cáo. Thì Tiktok lại để cho các bên thứ 3 khai thác thông tin. Còn họ khai thác làm gì thì cũng chưa ai biết. 'Cú hạ cánh' của Facebook chắc chắn là lời cảnh tỉnh cho những ông lớn công nghệ khác, nếu không học cách tôn trọng dữ liệu người dùng - mỏ vàng thật đấy nhưng cũng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.