Tencent đặt tên cho chatbot mới là HunyuanAide - nhằm cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI, công ty có trụ sở tại Mỹ.
Nhóm phát triển do chuyên gia Zhang Zhengyou, trưởng Phòng thí nghiệm AI và Robotics X của Tencent, đứng đầu. Các thành viên khác bao gồm các giám đốc điều hành từ đơn vị phát triển và chiến lược, nền tảng dữ liệu, Tencent Cloud và bộ phận trò chơi video.
HunyuanAide vì thế sẽ có sự tích hợp AI của Hunyuan, chuyên về thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP). Dự án HunyuanAide của gã khổng lồ internet Trung Quốc được trang tin 36kr (Trung Quốc) tiết lộ đầu tiên.
Quang cảnh trước trụ sở hãng công nghệ Tencent ở Thâm Quyến - Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Khách ghé thăm một gian hàng của Tencent trong Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) năm 2022 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
ChatGPT gây bão thế giới công nghệ trong vài tháng qua với khả năng sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ nhân tạo, từ thơ ca đến chiến lược kinh doanh trong cuộc trò chuyện tương tự như con người.
OpenAI do Microsoft hậu thuẫn không cho phép người dùng ở Trung Quốc tạo tài khoản để truy cập chatbot. Bất chấp điều đó, ChatGPT vẫn tương đối dễ tiếp cận và ngày càng được tích hợp vào các ứng dụng công nghệ tiêu dùng của Trung Quốc.
Một số đối thủ của Tencent bao gồm Tập đoàn Alibaba và Baidu cũng đã thông báo rằng họ đang phát triển AI của riêng mình.
Tin tức trên được đưa ra sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tuần trước cho biết họ đã nhìn thấy tiềm năng của công nghệ giống như ChatGPT. Do đó, họ sẽ thúc đẩy việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào xã hội và nền kinh tế Trung Quốc.
Nó cũng diễn ra trong bối cảnh hãng Tencent và Alibaba, được giới chức Trung Quốc yêu cầu không cung cấp dịch vụ ChatGPT trực tiếp hoặc gián tiếp, tờ Nikkei Asia đưa tin vào tuần trước.
'Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Tencent hay Alibaba đều đã nhận được chỉ đạo từ giới chức về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ ba' - theo Nikkei Asia hôm 22-2.
Còn bài đăng trên mạng xã hội Weibo cho thấy giới chức Trung Quốc dường như lo ngại trí tuệ nhân tạo của OpenAI có thể hỗ trợ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch vì lợi ích địa chính trị.
Cùng với việc cấm ChatGPT, nhà chức trách Trung Quốc cũng thông báo các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo có liên quan, phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI của OpenAI.