Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, thông qua quá trình khảo sát, đánh giá, qua báo cáo của Bộ GDĐT và ý kiến trao đổi từ phía các địa phương, chuyên gia tại Hội nghị… đến thời điểm này có thể đánh giá, Đề án 'Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020' ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 22/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra, mang lại những kết quả tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào phát triển giáo dục của đất nước, nhất là giáo dục phổ thông.
Trong đó, Đề án đã có tác động điều chỉnh về nhận thức của xã hội đối với hệ thống trường chuyên và việc bồi dưỡng nhân tài. Quá trình thực hiện Đề án cũng là quá trình lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng nhân tài, gia tăng chất lượng đào tạo tại địa phương thông qua đầu tư phát triển hệ thống trường chuyên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị
Cũng qua thực hiện Đề án, hệ thống cơ sở vật chất trường chuyên đã có những thay đổi đáng kể, một số trường chuyên của các địa phương được đầu tư nguồn kinh phí lớn, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, khu vực. Đề án trường chuyên còn là cú hích để các địa phương, đơn vị đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, góp phần gia tăng chất lượng đội ngũ không chỉ cho trường chuyên mà còn cho hệ thống giáo dục phổ thông nói chung.
Mang lại kết quả khả quan nhất, theo Bộ trưởng, đó là sản phẩm đào tạo. Học sinh các trường chuyên đã đạt được rất nhiều kết quả trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, là nguồn tuyển rất tốt cho bậc đại học, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. 'Có thể nói Đề án 'Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020' đã trở thành cú hích, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông', Bộ trưởng nói.
Trao đổi về những việc cần làm và cần làm mạnh mẽ hơn nữa để phát triển hệ thống trường chuyên cả về quy mô và chiều sâu trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.
Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng cho rằng, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu; vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.
'Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên', nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đồng thời nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. 'Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp', Bộ trưởng chia sẻ.
Về việc các địa phương dành đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên, Bộ trưởng lưu ý, đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế mà không lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. 'Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Đành rằng trong điều kiện khó khăn phải đầu tư tập trung nhưng bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lẫy là nhóm trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa'.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần tính đến hệ thống tiêu chuẩn cơ sở vật chất riêng cho trường chuyên để mỗi trường có thể khác nhau, trong đó có thể xem xét có hệ thống chuẩn đa dạng, tôn trọng sự khác biệt trên một nền chung.
Xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, do đó, Bộ trưởng bày tỏ sự cổ vũ với phương pháp giáo dục cá thể hóa. Theo Bộ trưởng, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa ra. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này.
'Bộ GDĐT đã giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn chuẩn bị quy chế về trường chuyên mới, dự kiến sẽ sớm ban hành để làm chỗ dựa cho các đơn vị, địa phương triển khai. Chúng ta đã có 10 năm đầu tư phát triển. Chặng đường mới sẽ tiếp tục đổi mới, đã đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư nhưng đúng và trúng. Từ các công việc khác nhau để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai', Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề xuất xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn, 1 trường chuyên tại các tỉnh
Qua 10 năm triển khai, mặc dù mô hình hoạt động của trường chuyên đã khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế.
Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Việc xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn; việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng. Việc hợp tác giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài còn chưa có tính chủ động cao.
Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một số đề nghị như, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án 'Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022 - 2032' nhằm tiếp tục đổi xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển hệ thống trường chuyên nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của Bộ, ngành, địa phương hằng năm và trong từng giai đoạn.
Các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những thành tựu đạt được của hệ thống trường chuyên nhằm tăng cường nhận thức đúng đắn về mục tiêu giáo dục của trường chuyên đào tạo tinh hoa cho đất nước.
Quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn, tập trung phát triển 1 trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao. Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh. Trong công tác quy hoạch, ưu tiên diện tích mở rộng cho trường chuyên, đảm bảo trường chuyên đạt chuẩn quốc gia./.