Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu trực tiếp Bộ GDĐT
Phiên họp do Bộ GDĐT - cơ quan thường trực của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự có các Thứ trưởng Bộ GDĐT: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ; uỷ viên các tiểu ban chuyên môn Hội đồng; uỷ viên Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực; các chuyên gia và đại diện một số địa phương.
Theo dự thảo chiến lược được Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày tại phiên họp, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Ngoài đặt mục tiêu cho từng bậc học: mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên, đại học, dự thảo chiến lược cũng đưa ra những chỉ số phát triển cụ thể cho từng bậc học. Những chỉ số này sẽ là thước đo để định lượng được kết quả phát triển qua từng giai đoạn, tránh được những đánh giá chung chung, mang tính định tính.
10 giải pháp nhằm phát triển giáo dục Việt Nam được đề cập trong dự thảo chiến lược bao gồm: Hoàn thiện thể chế; đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đổi mới chương trình, nội dung phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện;
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; thúc đấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý tại phiên họp tập trung vào một số vấn đề như: cần có khảo sát, đánh giá để định vị được hiện trạng nền giáo dục hiện nay; làm rõ vai trò của sự kế tục và phát triển; vai trò của văn hóa và các yếu tố khác; quan hệ giữa hệ thống giáo dục công và tư; yếu tố quy hoạch; vai trò của ngoại ngữ; xã hội hóa hóa, quốc tế hóa; hợp phần về dạy nghề…
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cho dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đề nghị bộ phận soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến, qua đó hoàn thiện dự thảo.
Với gần 20 ý kiến được nêu ra tại phiên họp, Bộ trưởng cho rằng, có ý kiến ở tầm vĩ mô, có ý kiến mang tính chất đặt vấn đề, gợi ý, có ý kiến góp ý trực tiếp vào từng nội dung, chỉ số của chiến lược… tất cả đều hết sức có giá trị; không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ, gợi ý về hoàn thiện chiến lược, mà còn giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý của Bộ GDĐT.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau đây sẽ còn thêm nhiều cuộc trao đổi, góp ý nữa được tổ chức; ban soạn thảo cũng sẽ làm việc sâu hơn với một số chuyên gia, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo.