Một năm sau khi triển khai chính sách '30 ngày hòa giải' nhằm hạn chế số vụ ly hôn, các cơ quan đăng ký kết hôn ở Trung Quốc xác nhận tình trạng ly hôn ở nước này đã sụt giảm đáng kể.
Hồi đầu tháng này, Cục Dân chính ở thành phố Trùng Khánh thông báo hơn 50.000 cặp đôi đã ly hôn sau khi thực hiện 30 ngày 'hạ hỏa', giảm 44% so với năm 2020.
Nhiều người dân Trung Quốc nhận định bộ luật '30 ngày hòa giải' khiến chuyện ly hôn ngày càng khó. (Ảnh minh họa)
Thành phố Thanh Đảo của tỉnh Sơn Đông ghi nhận số vụ ly hôn ở mức thấp nhất trong 10 năm qua với 16.000 trường hợp vào năm 2021, giảm 33% so với năm 2020.
Tờ Guiyang Daily dẫn lời một quan chức thành phố Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu cho biết, chính quyền địa phương xác nhận 1/4 cặp đôi muốn ly hôn đã 'hạ hỏa' sau khi thực hiện thời gian 30 ngày hạ nhiệt căng thẳng.
Tính trên cả nước, Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo nước này có hơn 1,58 triệu cặp đôi ly hôn trong 3 quý đầu năm 2021, giảm 1 triệu trường hợp so với cùng kỳ vào năm 2020.
Trước đó, vào tháng 1/2021, Trung Quốc ban bố bộ luật yêu cầu các cặp đôi muốn ly hôn phải chờ 30 ngày cho tới khi quá trình giải quyết ly hôn được hoàn tất. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh động thái này nhằm cải thiện sự ổn định của xã hội, cũng như để các cặp đôi có thêm thời gian suy nghĩ chín chắn. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng bộ luật đã vi phạm quyền tự do hôn nhân của người dân.
Cô Li Xue, một nhân viên văn phòng tại thành phố Thượng Hải và vừa ly hôn chồng, cho hay cô hối hận vì đã không ly hôn sớm hơn bởi cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng đã đổ vỡ trước cả thời điểm luật 30 ngày hạ hỏa được ban hành.
'Trải nghiệm của tôi là việc ly hôn ngày càng trở nên khó khăn, vì thế tôi khuyên những ai chưa kết hôn nên suy nghĩ kỹ', Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Li.
Cô Li nói thêm, 'bạn thường không được tòa án chấp nhận ở lần đệ đơn ly hôn đầu tiên. Bạn phải tiếp tục đệ đơn ly hôn lần thứ 2'.
Ông Wu Jiezhen, luật sư phụ trách các vụ ly hôn ở thành phố Quảng Châu, cho biết Trung Quốc không công bố số vụ ly hôn liên quan tới pháp lý kể từ năm 2017. Con số mà các Cục Dân chính thống kê chỉ là số liệu về các vụ ly hôn có sự đồng thuận từ cả hai phía, hoặc những trường hợp không ra tòa.
'Do đó, dữ liệu từ các cơ quan dân chính chưa phải là bức tranh toàn cảnh', luật sư Wu nói.
Trong khi đó, chính quyền nhiều địa phương khẳng định phương án hạ hỏa đã 'làm rất tốt'. Nhưng nhà tâm lý học ở Thượng Hải là ông Huang Jing cho rằng cố gắng cứu vãn một cuộc hôn nhân không đồng nghĩa với việc nỗi đau được chữa lành.
'Đối với các nhà hoạch định chính sách, mục tiêu của biện pháp 30 ngày hạ hỏa là duy trì sự ổn định. Nhưng họ không hề tính tới hạnh phúc của các cá nhân', ông Huang kết luận.
Thậm chí mới đây, trong một bài viết công bố hôm 2/1, Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc nhận định người dân không thể đệ đơn ly hôn, nếu như họ chỉ đưa ra lý do 'ngoại tình' để yêu cầu được chia tay bạn đời. Ngay lập tức, bài viết đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận Trung Quốc.
Theo bài báo, hành vi lừa dối không thể bị xem là ăn ở như vợ chồng bởi ăn ở như vợ chồng có nghĩa là một người đã kết hôn sống với một người không có quan hệ hôn nhân trong thời gian dài và liên tục. Ngoại tình không thể là lý do để đệ đơn ly hôn, nếu như bên nguyên đơn không có bằng chứng để chứng minh mối quan hệ ngoài luồng của bạn đời mang tính lâu dài và ổn định.
Còn theo SCMP, tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng từ mức 2/1.000 người trong năm 2010 lên thành 3,4/1.000 người vào năm 2019, trước khi giảm xuống 3,1/1.000 người hồi năm 2020.