Trước xu hướng trên, học sinh của nhiều trường cảm thấy lo lắng vì từ đầu năm đến nay vẫn đang học trực tuyến nên ảnh hưởng ít nhiều đến kết qủa học tập. Việc các em vừa phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tham gia đánh giá năng lực, bài kiểm tra tư duy cũng như thi chứng chỉ ngoại ngữ... có phần quá sức.
Nhiều em cũng lo lắng không rõ đề thi đánh giá năng lực của các trường ĐH sẽ ra theo hướng nào, có căn cứ vào chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT và thực tế nơi thì học trực tuyến, nơi học trực tiếp như hiện nay hay không?
Nguyễn Hà My - học sinh lớp 12 (quận Cầu Giáy, Hà Nội) cho biết ngay từ đầu năm học em xác định sẽ đăng ký nguyện vọng vào ngành Kinh tế Quốc tế của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
'Ngoài học trực tuyến ở trường, em cũng đăng ký học thêm các thầy giỏi tại những trung tâm luyện thi có tiếng để có kiến thức chuyên sâu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, mới đây em khá bất ngờ khi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ chỉ tuyển sinh khoảng 10-15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Còn lại, trường sẽ tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp với phương án tuyển sinh riêng.
Vậy là em phải thay đổi ngay phương pháp học, phải cấp tốc học làm sao để phù hợp với phương án tuyển sinh của trường và phải tìm hiểu thêm cả các phương án tuyển sinh khác để mong chạm tay tới mục tiêu', My nói.
Ảnh minh họa
Trước những thay đổi trong kỳ tuyển sinh năm nay, học sinh nhờ giáo viên tư vấn chọn ngành nghề, cơ hội việc làm cũng khiến thầy cô lúng túng vì phải đọc thông tin, cân nhắc rất nhiều mới có thể đưa ra lời khuyên.
Nhiều giáo viên cho rằng Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn định hướng chung cho các trường đại học, học viện, cao đẳng trong việc thiết kế các bài thi đánh giá năng lực sẽ gồm bao nhiêu phần trăm kiến thức theo chương trình chung và bao nhiêu phần trăm kiến thức đặc thù của ngành để học sinh còn có định hướng ôn thi.
Nhiều ý kiến khác tỏ ra lo ngại việc thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học có thể sẽ gây ra thiệt thòi cho những học sinh phải học trực tuyến kéo dài, vì theo hướng dẫn giảm tải ứng phó với dịch bệnh mà Bộ GD&ĐT ban hành đầu năm học này thì tất cả các môn học chỉ giữ lại phần nội dung kiến thức cốt lõi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định hướng dẫn tinh giản chương trình nhưng không làm mất đi tính hệ thống và vẫn đảm bảo các nội dung cốt lõi. Qua đó giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, có được kiến thức và kỹ năng, giúp các em tham gia các kỳ thi do các cấp tổ chức.
Ông Thành cũng cho rằng so với cách thi tốt nghiệp THPT thì thi đánh giá năng lực không có sự khác nhau đáng kể nào, ngoài hình thức thi, cấu trúc đề có thể khác nhau. Các bài kiểm tra, đánh giá, thi đối với học sinh đều phải dựa vào kiến thức, kỹ năng của chương trình mà học sinh đã học. Dù được tổ chức theo hình thức nào thì mỗi đề kiểm tra, đánh giá, thi đều bao gồm các câu hỏi, bài tập trong đó yêu cầu học sinh phải huy động được những kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra theo các mức độ khác nhau.
Nếu học sinh đã nắm vững kiến thức, kỹ năng đã học một cách có hệ thống; có năng lực huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học theo các mức độ yêu cầu của chương trình thì dù đề kiểm tra, đánh giá được cấu trúc thế nào thì cũng sẽ làm được các câu hỏi, bài tập trong đó. Các học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống và có thể tham khảo, luyện tập theo 1 - 2 đề thi minh họa tương ứng với các kỳ thi thì chắc chắn đáp ứng yêu cầu.
Ông Thành cũng lưu ý theo hướng dẫn thực hiện chương trình ứng phó với dịch bệnh, đề kiểm tra, đánh giá, thi không bao gồm những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.