Làng nghề Phúc Am (Thường Tín – Hà Nội) nổi tiếng với nghề sản xuất các mẫu vàng mã. Cứ vào dịp ông Công ông Táo hằng năm, những hộ dân trong làng lại hối hả, chạy đua với thời gian để hoàn thành đơn hàng kịp đưa ra thị trường. Vào những ngày này, khắp các nẻo đường, ngõ xóm trong làng Phúc Am luôn nhộn nhịp không khí sản xuất vàng mã để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm của người dân.
Thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc bận rộn nhất đối với dân làng Phúc Am. Theo người dân nơi đây chia sẻ, họ vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày cúng ông Công ông Táo, vừa phải tập trung làm hàng dự trữ để phục vụ lễ khai xuân và giải hạn trong suốt 3 tháng đầu năm mới.
Chi tiết trên mũ đều được dán bằng loại hồ làm từ gạo nếp được nghiền ra thành bột, chưng lên rồi cho thêm một chút vôi. Khi dán xong, hồ nếp càng khô, càng dính chắc. Đa số sản phẩm hàng mã tại đây thuộc cỡ lớn, được làm thủ công tỉ mỉ. Các loại giấy kim tuyến óng ánh, màu sắc bắt mắt tạo nên sự khác biệt giữa đồ mã Phúc Am với các nơi khác.
Trong giai đoạn cao điểm, các xưởng sản xuất ra thị trường đến hàng trăm bộ/ngày. Đa số hàng hóa được làm đến đâu sẽ có các thương lái nhập hết luôn đến đó, nhưng năm nay số lượng sản xuất giảm hơn.
Hết ngày 22 tháng Chạp (âm lịch) những đơn hàng ông Công ông Táo cuối cùng được chuyển đi, xưởng bắt đầu tập trung sản xuất hàng mã dùng cho lễ hội.
Một bộ đồ cúng đầy đủ bao gồm: Quần áo Táo quân (3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 cá chép giấy) và một mũ – áo – hia của Quan thần linh. Mỗi bộ mũ ông Công ông Táo đẹp, chất lượng có giá bán từ 180 đến 200 nghìn đồng tùy theo kích cỡ.
Mỗi ngày ở một xưởng sẽ sản xuất được khoảng 200 bộ mã cúng ông Công ông Táo.
Ngựa, voi khủng cao gần 2m được bày ra ngoài đường.
Ngoài ông Công ông Táo, ngựa cúng tế xuất hiện nhiều nhất trong các hộ gia đình. Làng Phúc Am thường xuyên tập trung vào các sản phẩm như hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, nhà, xe... phục vụ cho những khách hàng đi đền, phủ, miếu.