Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ 'rầm rầm' hình ảnh một cô gái khoe khoảnh khắc đi ngắm tuyết của mình. Trong bức ảnh, cô gái diện một chiếc áo phao cỡ đại, kín cổ và đeo găng tay, khẩu trang kín mít, phía sau là cảnh tượng tuyết, băng trắng xóa bám chặt trên cành cây.
Tuy nhiên điều đáng nói, không chỉ cây cối bị 'hóa đá' mà ngay cả tóc của cô gái cũng bị 'đóng băng' theo. Nhìn mái tóc xơ rối, đầy những mảng băng trắng bám dính vào, dân tình không khỏi bật cười thích thú.
Hình ảnh cô gái bị đóng băng mái tóc dài khi đi ngắm tuyết khiến dân mạng thích thú.
Sau khi hình ảnh này được chia sẻ trên các fanpage, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ, thậm chí còn cho rằng đây là khoảnh khắc được ghi lại ở Sa Pa (Lào Cai) bởi thời tiết miền Bắc đang trong giai đoạn lạnh giá nhất kể từ đầu mùa đến giờ.
Tuy nhiên khi nhiều người có ý định lên Sa Pa để tranh thủ ngắm tuyết, trải nghiệm cảm giác như cô gái thì phát hiện đây lại chỉ là 'cú lừa'. Bức ảnh cô gái bị đóng băng mái tóc dễ khiến người ta lầm tưởng này thực chất là ở Trung Quốc và đây là hình ảnh được cắt ghép từ một clip được thực hiện tại tỉnh Quảng Đông nước này.
Thực chất những bức ảnh này được cắt ghép từ clip của Trung Quốc.
Theo Tuổi trẻ đưa tin, từ đêm 19 rạng sáng 20/2, nền nhiệt độ ở miền Bắc đã bắt đầu giảm sâu. Đặc biệt tại một số vùng núi cao như Phja Oắc (Cao Bằng) -2 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -0,4 độ C, Sa Pa 3,2 độ C... Ở thời điểm này, nhiều cây cối, xe cộ dựng ngoài trời đều phủ một lớp băng giá dày.
Theo dự báo, khu vực đỉnh Mẫu Sơn có thể xuất hiện tuyết rơi, dẫn đến hàng nghìn người từ các tỉnh, thành miền xuôi đổ về đây để 'mục sở thị' băng tuyết.
Trước đó vào cuối tháng 12/2021, những tấm ảnh Sa Pa tuyết rơi trắng xóa như trời Âu được dân mạng chia sẻ rầm rộ nhưng sự thật đằng sau lại khiến mọi người 'ngã ngửa'.
Thông tin Sa Pa tuyết phủ trắng xóa được chia sẻ rầm rộ trên khắp các diễn đàn trước đó.
Sự thật đây đúng là những tấm ảnh chụp tuyết tại Fansipan, thế nhưng thời gian lại cách đây một vài năm và vào những đợt tuyết dày chứ không phải thời điểm hiện tại. Tác giả bộ ảnh là nhiếp ảnh gia Tô Bá Hiếu.
Vụ việc này đã khiến không ít người bày tỏ sự bức xúc với việc chia sẻ thông tin sai sự thật để hút tương tác cho cá nhân, hay bán tour du lịch đồng thời là một bài học cảnh tỉnh cho những người chưa kiểm chứng thông tin trước khi lên kế hoạch cho chuyến du lịch.