Họ có thể hy sinh mạng sống của mình để đổi lấy cuộc đời của những người khác. Câu chuyện về người đàn ông bán bánh mì ven sông cứu sống hàng trăm người sẽ khắc họa cho bạn chân dung của một siêu anh hùng đích thực.
Là một người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, không khỏi bất ngờ khi nhà của Rajesh Kachi nằm trong khu ổ chuột tại Shivajinagar, Pune, Ấn Độ. Căn nhà nhỏ ọp ẹp với nhiều chỗ dột trên mái chắc chắn sẽ khiến không gian trong nhà trở nên ẩm ướt vào mùa mưa, bên trong được bố trí đơn sơ với một vài tấm bằng khen được treo trên tường. Có thể thấy, cuộc sống của Rajesh Kachi không mấy dễ dàng, nhưng cách ông sống đã khiến mọi người kính phục.
Rajesh hằng ngày mưu sinh bằng nghề bán hàng rong trong căn nhà lộp xộp
Theo những gì ông chia sẻ, tuổi thơ của Rajesh gắn liền với dòng sông Mutha. Khi lớn lên ông và con sông này vẫn ‘như hình với bóng’ nhưng ở một vai trò khác. Người dân ở đây thường gọi ông là ‘Vua sông Mutha’ vì hành động cứu sống hàng trăm sinh mệnh trong suốt ba thập kỉ qua bằng cách ngăn họ tự tử hoặc giúp những người không may bị lũ cuốn trôi. Hồi tưởng về lần đầu cứu người, ông Rajesh kể lại:
‘Khi ấy tôi chỉ mới 19 tuổi, trên đường về nhà, tôi thấy có một cô gái đang chới với giữa lòng sông. Chẳng có thời gian để suy nghĩ nhiều, tôi lao ngay xuống và kéo cô ấy vào bờ. Chờ cho tinh thần người này ổn định hơn một chút, tôi đề nghị sẽ đưa cô về nhà để tránh việc cô ấy nghĩ quẩn lần nữa.’
Con sông Mutha
Ông còn chia sẻ thêm về kỷ niệm đáng nhớ này: ‘Khi về đến nhà của cô gái, tôi biết rằng vì bị cha mẹ ép phải cưới người đàn ông mà mình không hề có tình cảm. Cô gái trẻ đã tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết. Sau lần đó, tôi tự nhủ với lòng rằng sẽ không để bất kì ai chết dưới sự chứng kiến của mình’
Kể từ ngày định mệnh ấy, ông vẫn là một người bán hàng rong nhưng giờ đây Rajesh Kachi còn đảm nhiệm thêm một sứ mệnh cao cả khác, đó là cứu người. Tiếng tăm của ông càng lan xa hơn sau những trận lũ lụt quét qua làng, Rajesh đã cứu sống hàng trăm mạng người khỏi con nước dữ. Ông nói: ‘Hầu hết những người được tôi cứu sống đều bị mắc kẹt khi cơn lũ quét qua. Dần dần, Người dân sống ở gần lưu vực sông Mutha biết đến tôi như một người sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cứu người. Bà tôi thì rất ủng hộ việc làm này, bà ấy luôn tự tin về khả năng bơi lội của tôi.’
Tuy nhiên, Rajesh Kachi cũng không ít lần vấp phải sự phản đối của người thân, bạn bè. Họ cho rằng ông là một thằng ngốc khi mạo hiểm tính mạng nhưng chẳng nhận được gì. Và Rajesh đã chứng minh cho họ thấy rằng, điều ông nhận được còn trân quý hơn gấp nghìn lần giá trị vật chất.
Pavin Pratin – một trợ lý tại đồn cảnh sát địa phương nói với phóng viên rằng:
‘Rajesh như một báu vật vô giá của chúng tôi trong suốt những năm qua. Mỗi khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp có người cần giúp đỡ, anh ấy luôn sẵn sàng rời nhà cho dù đã là đêm muộn.’
Sông nước là một khu vực khó lường, tuy là một người dày dặn kinh nghiệm nhưng Rajesh Kachi vẫn phải đối mặt với những rủi ro chết người, kể về những lần gặp sự cố, ông chia sẻ:
‘Vào trận lũ năm 2018, tôi nhận được cuộc gọi cầu cứu của một người đàn ông, anh ta nói rằng em trai mình bị mắc kẹt ở bờ sông. Lập tức nhận ra mức độ nguy hiểm của vấn đề tuy nhiên tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống thế này. Sau khi đến được chỗ của người em, tôi nhanh chóng trấn an cũng như kiểm soát tình hình và đưa cậu băng qua sông. Nhưng không may, tôi bị mắc kẹt vào vùng xoáy nước, nó liên tục muốn dìm tôi xuống lòng sông. Thật lòng mà nói, tôi đã nghĩ rằng ngày hôm đó là ngày cuối cùng mình có thể cứu người. Sau quãng thời gian dài vật lộn trên sông, tôi đã vượt qua được lưỡi hái Tử Thần!’
Tuổi tác đã cao, sức khỏe không còn như thời trai tráng, nhưng người anh hùng đời thực này vẫn luôn giúp đỡ người khác trong khả năng của mình
Tuy đã hứa với bản thân sẽ không để ai chết trước mắt mình, tuy nhiên ‘sức người có hạn’. Không ít lần dù mang được nạn nhân vào bờ nhưng họ đã không còn dấu hiệu của sự sống, Ông vẫn đưa nạn nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể dù chỉ còn một tia hy vọng le lói. Bằng tất cả cảm xúc của mình, ông chia sẻ:
‘Tôi luôn cố gắng cứu tất cả mọi người để mong rằng gia đình họ sẽ không phải chịu cảnh tang thương, mất mác. Bạn biết đấy, thật khủng khiếp khi đối mặt với việc mất đi người mình yêu quý. Nhưng tôi cũng chỉ là một người bình thường, có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra. Hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều người dân trở thành tình nguyện viên làm công việc cứu hộ. Mọi người cùng nhau chung sức đồng lòng, chắc chắn sẽ có nhiều thêm những mảnh đời được thắp sáng!’
Ở tuổi 50, nhiều người khuyên Rajesh Kachi nên ‘nghỉ hưu’ vì lo ngại sức khỏe của ông không còn như thời trai tráng. Thế nhưng, người đàn ông với tấm lòng cao cả này khẳng định chắc nịch:
‘Tôi không sợ chết! Nếu chẳng may gặp nạn trong lúc cứu người, tôi sẽ xem đó là một đặc ân cuối đời mà Thánh Thần ban tặng.’
Câu chuyện người thật việc thật của Rajesh Kachi là một bức họa sinh động về nhân vật anh hùng giữa đời thường. Bằng trái tim biết yêu thương và một tinh thần cao quý, Rajesh đã vượt qua mọi khó khăn để đưa hàng trăm người trở về từ cõi chết. Chắc chắn, người đàn ông nghèo mưu sinh bằng nghề bán hàng rong nhưng có cách sống khiến chúng ta kính phục này sẽ trở huyền thoại.
(Theo RD)