Sáng 25/1 (23 tháng chạp), người dân TP.HCM đã đến đoạn bờ sông nằm sát khuôn viên chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) để đi thả cá phóng sinh với ngụ ý đưa ông Công ông Táo về Trời, cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn.
Dần về trưa, số lượng người dân mang theo cá chép đến bờ sông này để hành lễ và thả cá phóng sinh ngày một đông.
Những chú cá vàng được người dân mang đi phóng sinh.
Chị Thảo Ngọc (ngụ quận 7) chia sẻ: 'Năm nào cũng vậy, tôi vẫn luôn giữ truyền thống đến ngày là đi thả cá tiễn Táo quân lên trời. Năm qua là một năm quá vất vả với tất cả mọi người khi dịch bệnh Covid-19 hoành hoành khắp nơi. Nhân dịp này, tôi cầu chúc cho tất cả những người thân yêu của mình thật bình an, mạnh khỏe trong năm tới'.
Trước khi đi thả chép, người dân đọc bài khấn để tiễn ông Công ông Táo về Trời.
Ngoài cá chép, người dân còn thả thêm cá lóc, chim, baba... với mong muốn mang đến cho các loài vật một cơ hội sống mới.
Ngoài cá chép vàng, người dân còn phóng sinh 1 số con vật khác xuống sông.
Đa số cá chép đều đã được các thương lái nuôi trong thùng phuy, xô chậu một thời gian và thở bằng oxy nhân tạo nên sức khoẻ của cá khá yếu. Lo lắng việc thả cá gần bờ sẽ dễ bị người ta bắt mất nên nhiều người, trong đó có gia đình của cô Châu Mai (43 tuổi, ngụ Gò Vấp) đã quyết định thuê ghe ra giữa sông Sài Gòn để thả cá phóng sinh.
Cô Châu Mai chia sẻ: 'Năm nay tuy không đông đúc nhưng lượng người đổ về đây thả cá cũng nhiều. Gia đình tôi góp 5 triệu để mua cá chép phóng sinh. Cảm xúc khi thả đàn cá chép xuống nước rất đặc biệt, báo hiệu một năm cũ sắp qua và chuẩn bị đón chào một năm mới'.
Một số gia đình thuê ghe thuyền để đi thả cá chép.
Theo tục lệ dân gian, phóng sinh cá chép ngày 23 tháng Chạp đã có từ lâu. Mọi người quan niệm Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình để báo cáo lại tất cả việc làm của con người trong một năm.
Vì vậy, vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép đỏ sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ... nghĩa là để đưa ông Táo về trời.
Theo quan niệm dân gian, cá chép nên thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) để Táo quân có đủ thời gian lên chầu trời.