Nằm trên đường Lê Quang Sung đối diện bến xe Chợ Lớn (quận 6), khu chợ trầu cau nổi tiếng đông đúc của Sài Gòn giờ đây chỉ còn sót lại khoảng 15 sạp hàng. Đa số những người bán trầu cau đều đã lớn tuổi, có người tuổi nghề lên đến vài chục năm.
Những ngày cận Tết, khách đến chợ trầu cau chỉ lác đác
Theo người dân khu vực, chợ trầu cau này đã xuất hiện hơn 100 năm qua. Trước kia, ở đây rất tấp nập và đông vui từ sáng sớm đến tối. Đỉnh điểm, có hơn 100 sạp trầu cau cùng mở bán, cảnh buôn bán tấp nập… như đi hội.
Năm tháng trôi qua, thói quen ăn trầu cau ngày một ít đi, kéo theo việc buôn bán tại khu chợ cũng ế ẩm. Đến hiện tại, chỉ còn một số người duy trì buôn bán trầu cau để phục vụ chủ yếu cho các nghi thức lễ cưới, đám hỏi và dịp Tết.
Dù phải đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền từng ngày nhưng tình cảm của những người bán trầu cau đối với nghề vẫn không hề phai mờ sau nhiều năm gắn bó. Theo họ, công việc này không chỉ là 'cần câu cơm' mà còn để duy trì nét đẹp truyền thống của tổ tiên để lại.
Cận cảnh một gian hàng trầu cau được bày biện gọn gàng
Trong lúc chờ khách đến mua, bà Gái tranh thủ bày biện, sắp xếp các chùm cau cho ngay ngắn
Giữa khu chợ trầu cau nổi danh một thời giữa lòng Sài Gòn, bà Gái (68 tuổi) ngồi lặng lẽ ở một góc, bàn tay têm thoăn thoắt từng cánh trầu. Bà cho biết, nghề bán cau, têm trầu là nghề truyền thống của gia đình. Từ năm 4 tuổi, bà đã theo chân bà ngoại và mẹ của mình ra chợ phụ buôn bán.
'Hồi trước, ở đây có đến hàng trăm người bán trầu cau mà hiện tại chỉ còn lại 14 người thôi. Nhà tôi ở Hóc Môn, cách khu chợ khoảng 20km. Ngày nào, tôi cũng dậy từ lúc trời tờ mờ sáng, chuẩn bị đồ đạc và đón xe buýt lên đây để bán.
Dù thu nhập chỉ đủ sống nhưng tôi vẫn trụ lại vì đây là cái nghề truyền thống của gia đình. Tôi quen với nghề rồi nên không thể bỏ được. Tôi sẽ làm đến khi nào không còn đủ sức bán nữa thì mới thôi' - bà Gái tâm sự.
Những trái cau được trang trí đẹp mắt
Những ngày cận kề Tết, khách đến mua cau cũng đông hơn ngày thường. Ngoài các ‘mối ruột’ thì Tết, người dân đến mua trầu cau về trưng Tết cũng tăng lên. Khoảng 45 phút có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận có khoảng 20 khách đến mua. Từng trái cau được chọn lựa kỹ càng, giá bán từ 30-40 nghìn đồng/10 trái. Còn đối với những bó cau có trang trí (loại dùng trong các lễ cưới) có giá từ 300-400 nghìn đồng/bó.
Những vị khách đến mua sắm tại chợ trầu cau dịp cận Tết
Cách chỗ bà Gái ngồi không xa là quầy hàng cau của chị Phước (47 tuổi, con gái ruột của bà Gái). Tiếp nối truyền thống của gia đình, chị Phước cũng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề bán trầu cau. Chị cho hay, những người buôn bán trầu cau ở chợ đều có thâm niên từ 30, 40 năm trở lên.
Chị Phước chia sẻ: 'Thời buổi giờ người ta ít ăn trầu cau lắm, chủ yếu đến dịp lễ, tết hay đám cưới thì mới có nhiều người mua. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài khiến lượng khách giảm sâu. Nếu không làm nghề này, mình cũng không biết nên làm nghề gì khác. Khi nào còn người mua thì mình vẫn sẽ tiếp tục bám trụ với nghề'.