Nước ta vốn nổi tiếng với sự hòa trộn văn hóa của 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền luôn có những phong tục tập quán riêng, tạo nên sự đa dạng cho văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền, ba miền Bắc - Trung - Nam, mỗi miền, mỗi vùng đều có những phong tục ngày Tết rất riêng, rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Tục 'vỗ mông' tỏ tình của đồng bào Mông
Mùa xuân với người Mông ở Hà Giang là hội xuân Sải Sán, tức là hội chơi núi mùa xuân, có nơi còn gọi là hội xuân Gầu Tào, là tiếng khèn Mông dập dìu bên sườn núi réo rắt gọi mùa xuân, gọi bạn tình, là những bát rượu ngô vừa nấu vẫn còn thơm mùi men của lá rừng.
Tập tục độc đáo của người Mông.
Đầu năm mới, người Mông thường tấp nập đi hội xuân Sải Sán. Trong hội xuân này, cùng với các hoạt động như: Ném pao, thổi khèn, hát giao duyên thì tục 'vỗ mông' cũng được coi là nét văn hóa tiêu biểu trong ngày Tết của người Mông.
Trong ngày Tết, nếu chàng trai ưng ý cô gái nào, anh ta sẽ vỗ vào mông cô gái đó. Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông 'đối tác' lần nữa. Cứ thế, cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại cho đủ 9 lần, tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.
Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông 'đối tác', cả hai cùng chấp thuận nguyện ý bên nhau.
Tục 'thờ bát nước lã' của người Pà Thẻn
Với người dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang, trên mỗi bàn thờ tổ tiên họ, quanh năm đều có một bát nước lã dùng để thờ cúng. Bát nước này phải luôn được đậy kín và không bao giờ để cạn hết nước. Hàng năm cứ đến tháng 6, chủ nhà phải mở nắp đậy ra để cho thêm nước vào bát.
Người Pà Thẻn có phong tục độc đáo là thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên.
Vào đêm giao thừa, nhà nào cũng đóng kín cửa, cẩn thận cài then vào bịt hết những lỗ hở ra ngoài. Trong nhà, gia chủ sẽ hạ bát nước xuống để lau chùi sạch sẽ và thay nước mới để chào đón năm mới đến.
Những hành động trên đều phải giữ bí mật trong nhà. Người Pà Thẻn quan niệm, nếu những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc người khác nhìn thấy thì cả gia đình năm sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn không may mắn, đau ốm liên miên...
Người dân Pà Thẻn luôn được dạy phải kín đáo, không được để lộ bí mật ra bên ngoài.
Tục hát thi với gà trống của người Pu Péo
Đây là một phong tục đón tết kì lạ của người dân tộc Pu Péo ở tỉnh Hà Giang. Trong đêm giao thừa, người Pu Péo sẽ thức để canh chừng chú gà trống nhà mình. Khi chú gà vỗ cánh chuẩn bị cất tiếng gáy, họ sẽ đốt một quả pháo ném vào chuồng để khiến những chú gà trong chuồng thi nhau nhảy lên và gáy vang.
Ngày Tết cũng là dịp người Pu Péo tụ tập giao lưu, múa hát
Khi những tiếng gà gáy bắt đầu vang vọng, người Pu Péo cũng theo đó mà hò hát vang trời. Đối với người Pu Péo, tiếng gà gáy là dấu hiệu để đánh thức mặt trời, khởi đầu một ngày mới tốt lành. Do đó, ai hát to, hát khoẻ làm át được tiếng gáy thiêng liêng đó thì năm mới ắt sẽ gặp nhiều điều may mắn, hạnh phúc.
Tục xem bói gan lợn thiến của người Hà Nhì
Lợn là gia súc quan trọng của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, không chỉ mang giá trị kinh tế, con vật này còn mang một số ý nghĩa quan trọng với một số tộc người, như người Hà Nhì ở Lai Châu.
Theo phong tục lễ tết truyền thống của người dân tộc Hà Nhì, mỗi gia đình đều nuôi một con lợn đực, vào ngày đầu năm, họ sẽ đem lợn đi thiến, để dành Tết năm sau thì mổ con lợn đó để làm lễ cúng gia tiên. Thịt lợn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của đồng bào Hà Nhì, dù gia đình đó khá giả hay nghèo túng.
Người Hà Nhì mổ lợn không đơn thuần chỉ là hoạt động phục vụ cho việc 'ăn Tết' mà còn thông qua đó để thực hiện quẻ bói đầu năm.
Khi mổ lợn để làm cỗ đón năm mới, người Hà Nhì đặc biệt chú ý đến lá gan. Nếu lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi đỏ, túi mật căng đầy thì năm đó việc chăn nuôi, làm ăn sẽ phát triển, thời tiết thuận hoà, gia đình hạnh phúc.
Tục 'ăn trộm cầu may' của người Dao
Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Dao tại các bản ở xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) sẽ tập trung ở một nơi được quy định trước để thực hiện những nghi lễ cổ truyền. Ngay sau đó, từ già trẻ, gái trai cùng nhau diễu hành qua các nhà cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn ồn ã. Đi đến đâu, họ đều cố gắng lấy trộm vật gì đó từ các gia đình hai bên đường. Người Dao quan niệm, càng ăn trộm được nhiều thì năm đó càng may mắn.
Bắt đầu cho lễ hội là tục rước nước cầu may.
Đôi khi, món đồ ăn trộm chỉ là những cọng hành, cây rau hay miếng thịt.
Ngược lại, trong lúc 'hành sự' nếu bị gia chủ bắt gặp sẽ bị phạt uống rượu và cả năm đó coi như không may. Tục lệ này không mang nặng tính vật chất nên người Dao thường chỉ trộm những thứ như rau cỏ, thịt, trứng... trong gian bếp để tượng trưng. Kết thúc hôm đó, 'những tên trộm' sẽ đưa chiến lợi phẩm của mình trả lại cho các gia đình để được thưởng.
Tục 'đánh thức gia súc cùng đón Tết' của người Lô Lô
Vào đêm 30 Tết, đồng bào Lô Lô (tỉnh Cao Bằng) có tục lệ thức để chờ tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong bản. Theo người dân địa phương, tiếng gà gáy chính là điểm báo hiệu bắt đầu một năm mới. Lúc đó, chủ nhà sẽ cử người đi đánh thức những con gia súc mà mình nuôi dạy để cùng đón Tết với gia đình.
Người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang với tục 'đánh thức gia súc'.
Đồng thời, một lễ cúng cũng được tổ chức ngay tại nhà của người Lô Lô để cầu chúc sức khỏe, tiền bạc cho cả gia đình. Tại đây, đàn ông được cúng bằng gà trống, còn phụ nữ dùng gà mái để cúng. Các công cụ lao động thường ngày sẽ được sơn, quét màu vàng hoặc bạc để cầu may, chúng sẽ không được chạm vào trong 3 ngày Tết.
Tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường
Từ mấy ngày trước Tết, người Mường (tỉnh Hòa Bình) đã chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày cả năm.
Người Mường quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời 'những người bạn đồng hành' này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
Lễ hội gội 'tằng cẩu' của người Thái trắng
Người Thái quan niệm, con gái đẹp nhất ở làn da trắng nõn và mái tóc búi cao (tằng cẩu) gọn ghẽ nghệ thuật trên đỉnh đầu. Những cô gái Thái trắng ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... vào ngày cuối cùng trong năm thường rủ nhau buông tóc bên bờ suối gội đầu.
Trước đây, các bà, các mẹ thường gội bằng nước gạo để chua. Giờ đây, để gội đầu, phụ nữ Thái rủ nhau ra suối gội 'tằng cẩu' như lễ hội. Từ tờ mờ sương, các bà, các chị, các cô đã xúng xính váy áo ra suối.
Lễ hội gội đầu của người Thái.
Với người Thái, lễ hội gội đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi mái tóc của những người phụ nữ đã sạch sẽ, óng mượt cũng là lúc những điều không may của năm cũ được thả trôi xuống dòng nước, chỉ còn lại những may mắn, an lành năm mới. Lễ gội 'tằng cẩu' kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ. Người ta còn tổ chức ném còn, xòe vòng... trai gái được dịp vui chơi thỏa thích.
Tục gọi hồn của người Thái
Vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình người Thái làm thịt hai con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà.
Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên bó chặt một đầu với nhau và vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2- 3 lần, thầy về chân cầu thang của gia chủ để gọi thêm lần nữa, cuối cùng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên để trừ tà ma.
Quá trình mời người đã khuất về nhà ăn Tết của người Thái cũng khá cầu kỳ.
Tục dán giấy đỏ của người Cao Lan
Cũng như người Kinh, người Cao Lan (tỉnh Tuyên Quang) đón Tết từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng Giêng. Trước Tết Nguyên đán khoảng 2 ngày, người Cao Lan mang giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí dịt) để dán ở cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên, cối xay, chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng gà...
Phong tục dán giấy đỏ, lấy nước mới đón Tết của người Cao Lan.
Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm một sắc đỏ rực rỡ, bởi theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.
Tục 'bắt chồng' của người Tây Nguyên
Khi Tết Nguyên đán bắt đầu, cũng là thời điểm các dân tộc Chu Ru, Cơ Ho, Giẻ Triêng... ở Tây Nguyên vào mùa 'bắt chồng'. Thường thì các nghi thức của tục 'bắt chồng' này sẽ diễn ra vào ban đêm. Khi cô gái thích một chàng trai nào đó, cô ấy sẽ chờ đến tối để mang một chiếc nhẫn đến, đeo vào tay chàng trai đó. Nếu không bằng lòng, anh ta có thể tháo ra và trả lại cho cô gái, nhưng cứ sau 7 ngày, cô gái lại đến đeo nhẫn cho chàng trai. Cứ thế, đến khi cô gái nhận được lời đồng ý mới thôi.
Tục 'bắt chồng' của người dân tộc Chu Ru ở Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đa số các đôi đã phải lòng nhau trước và khi cô gái cùng họ hàng đến 'bắt chồng' thì mọi thứ đã sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân.
Hai người sẽ thành vợ chồng khi trùm chung một chiếc khăn.
Dính tro, ném xôi lên mái nhà của người Giẻ Triêng
Người Giẻ Triêng (sống chủ yếu ở Quảng Nam và Kon Tum) đón Tết cổ truyền với tên gọi là Cha Chả, nghĩa là ăn than. Theo quan niệm của người Giẻ Triêng thì trong ngày Tết, ai dính nhiều tro đốt từ than nhất sẽ được may mắn, mùa màng bội thu.
Người Giẻ Triêng với phong tục Dính tro và ném xôi lên mái nhà.
Để có thể dính tro than, trước Tết 3 ngày, các chàng trai cao to được cử lên rừng đốt củi thành những đống than lớn và mang về làng. Ngoài ra, người làng cũng nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên thành tro. Hai loại tro này sẽ được hất tung lên cao và ai dính được nhiều tro nhất sẽ là người may mắn nhất. Người Giẻ Triêng cũng cầm một nắm xôi ném lên mái nhà vào ngày đầu năm mới. Nắm xôi của người nào dính trên đó, người ấy sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm mới.
Có thể nói, ngày Tết là dịp để lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, đậm tính nhân văn của các dân tộc và mỗi dân tộc trên đất nước ta lại là một mảnh ghép tạo nên sự đa dạng trong phong tục ngày Tết cổ truyền.