Trước đêm Giao thừa, người dân trên khắp thế giới có chung tâm lý mong những chuyện buồn trong năm cũ sẽ khép lại để mở ra một Năm mới tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, nhiều nơi trên thế giới lại bước sang năm thứ hai liên tiếp buộc phải hủy bỏ các sự kiện mừng Giao thừa và đón Năm mới 2022 do sự hoành hành của biến chủng Omicron.
Buổi diễn tập rung chuông đón Năm mới tại một ngôi chùa ở Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)
Như ở Nhật Bản, phần lớn người dân có kế hoạch thực hiện những chuyến đi đầu năm để về sum họp với gia đình. Vào đêm Giao thừa, người dân cũng sẽ tới các ngôi đền và chùa để cầu may mắn cho Năm mới. Song phần lớn người dân vẫn có tâm lý thận trọng phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang.
Trong khi đó, Australia duy trì kế hoạch tiến hành các sự kiện chào đón Năm mới 2022, dù số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh trở lại. Chỉ trước vài tiếng đồng hồ diễn ra các buổi lễ mừng Năm mới, giới chức y tế Australia thông báo nước này có thêm 32.000 ca mới mắc Covid-19, mà phần lớn bệnh nhân sống ở Sydney.
Do virus corona đang lây lan nhanh, giới chức Australia dự tính cho phép các nhóm tụ tập với quy mô nhỏ hơn so với những năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thời điểm có tới 1 triệu người tham gia tiệc tùng ở trong khu vực thành phố Sydney.
Như tại nước láng giềng New Zealand dù chưa phát hiện tình trạng lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, nhưng chính quyền nước này vẫn hành động vô cùng thận trọng khi hủy bỏ một số màn bắn pháo hoa bao gồm từ tòa tháp nổi tiếng Sky Tower ở thành phố Auckland.
Thay vào đó, thành phố Auckland sẽ đón Năm mới bằng màn chiếu ánh sáng từ trên tháp Sky Tower và các tòa nhà cao tầng khác trong thành phố.
New Zealand hủy các buổi lễ bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa. (Ảnh: Bloomberg)
Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, đây là năm thứ 2 lễ rung chuông đêm Giao thừa cũng bị hủy bỏ vì số ca mắc Covid-19 tăng mạnh.
Giới chức Hàn Quốc cho hay một đoạn video được quay sẵn về lễ rung chuông đón Năm mới sẽ được phát trực tuyến và trên truyền hình. Trước đây, sự kiện này từng thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Năm 2020 là năm đầu tiên lễ rung chuông bị hủy bỏ vì dịch bệnh kể từ năm 1953.
Các cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng có kế hoạch đóng cửa nhiều bãi biển và địa điểm du lịch nằm ở bờ biển phía đông nước này, bởi đây là những nơi người dân Hàn Quốc thường đổ xô tới để chứng kiến hình ảnh Mặt trời mọc lần đầu tiên trong Năm mới.
Trong ngày 31/12, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ kéo dài thời gian thực hiện các quy định giãn cách xã hội khắt khe thêm 2 tuần nữa để ngăn chặn dịch bệnh.
Sinh viên Ấn Độ thắp nến chào đón Năm mới 2022. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Ở Ấn Độ, hàng triệu người sẽ đón Năm mới 2022 tại nhà do chính phủ nước này áp đặt giờ giới nghiêm vào ban đêm kèm theo các quy định khác cấm hoạt động tụ tập đông người ở những thành phố lớn như New Delhi và Mumbai.
Số ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron tăng cao khiến Ấn Độ thi hành nhiều quy định hạn chế người dân tới các nhà hàng, khách sạn, bờ biển và quán bar.
Nhưng tại một số khu vực như Goa, thiên đường du lịch, và Hyderabad, trung tâm công nghệ thông tin, lệnh giới nghiêm không được áp dụng do số người mắc Covid-19 ở mức thấp. Tuy nhiên, các quy định phòng bệnh vẫn được thi hành.
Nhiều người dân ở Indonesia cũng buộc phải từ bỏ thói quen tụ tập nơi đông người trong đêm Giao thừa để ở nhà đón một Năm mới trong không khí yên bình hơn, sau khi chính phủ nước này cấm phần lớn các sự kiện trong đêm Giao thừa.
Như ở thủ đô Jakarta, các màn bắn pháo hoa, diễu hành và tụ tập đông người đều bị cấm. Các nhà hàng và trung tâm thương mại được phép mở cửa song phải thi hành lệnh giới nghiêm.
Đáng nói, tại đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc khoảng 3.000 người sẽ dự một buổi hòa nhạc do các nghệ sĩ nổi tiếng ở khu vực biểu diễn trong đêm Giao thừa. Đây sẽ là lần đầu tiên sự kiện lớn này được tổ chức kể từ năm 2018, sau khi nó bị hủy bỏ vào năm 2019 và 2020 vì dịch bệnh.
Còn tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Thượng Hải đã hủy nhiều sự kện như buổi trình chiếu ánh sáng thường niên dọc sông Hoàng Phố. Sự kiện này trước đây thu hút hàng trăm ngàn người tới xem.
Đáng nói, các sự kiện công cộng không có kế hoạch được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh, do các đền chùa nổi tiếng đã bị đóng cửa hoặc giới hạn tiếp cận kể từ giữa tháng 12. Chính quyền Bắc Kinh cũng kêu gọi người dân tránh rời khỏi thủ đô nếu có thể, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm với những người tới từ các khu vực có ca mắc Covid-19.
Nhiều chùa nổi tiếng ở thành phố Nam Kinh, Hàng Châu và các đô thị lớn khác của Trung Quốc cũng hủy lễ 'rung chuông may mắn' truyền thống trong đêm Giao thừa và đề nghị người dân tránh tới những nơi này.
Điều này hoàn toàn trái ngược với Thái Lan, khi chính phủ nước này vẫn cho phép các bữa tiệc và màn bắn pháo đêm Giao thừa được diễn ra, song cần tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn. Đáng nói, buổi cầu may đầu Năm mới thường diễn ra tại các ngôi chùa trên khắp lãnh thổ Thái Lan sẽ được tổ chức trực tuyến thay vì tại chỗ như những năm trước.
Người dân xếp hàng chờ làm xét nghiệm PCR trước khi vào Quảng trường Thời đại. (Ảnh: DPA)
Tại Nam Mỹ, thành phố New York sẽ giới hạn số lượng người dự lễ đếm ngược thời gian từ quả cầu pha lê nặng 6 tấn tại Quảng trường Thời đại xuống còn khoảng 15.000 người, thay vì hàng chục ngàn người như trước đây.
'Chúng tôi vô cùng háo hức đón du khách trở lại Quảng trường Thời đại trong đêm Giao thừa. Mục tiêu của chúng tôi là có một sự kiện an toàn và có trách nhiệm để thế giới xem', ông Tom Harris, Chủ tịch Liên đoàn Quảng trưởng Thời đại chia sẻ.
Giống như ở Quảng trưởng Thời đại, các quan chức Brazil cho hay sẽ giới hạn số người tham dự những sự kiện công cộng. Nhiều người dân Brazil tỏ ra thận trọng, sau khi nước này trở thành một trong những quốc gia trên thế giới có số người tử vong nhiều nhất vì Covid-19 với 618.000 người.
Các chuyên gia Brazil kiểm tra độ an toàn tại điểm bắn pháo hoa ở Rio de Janeiro. (Ảnh: EPA-EFE)
Luật sư Roberta Assis (27 tuổi) chia sẻ, cô có kế hoạch tới nhà bạn để tập trung theo nhóm nhỏ đón Năm mới, thay vì tới các sự kiện công cộng đông người.
'Đây chưa phải lúc tập trung ở chỗ đông người', cô Assis nhấn mạnh.