Đã 3 cái Tết dịch Covid-19 xuất hiện và từ đó nhân viên y tế ngành truyền nhiễm càng ít có thời gian dành cho gia đình của họ hơn.
BS Lê Văn Thiệu – Khoa Cấp cứu - BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cho biết đã 2 năm trôi qua anh không được ăn Tết với gia đình. Dịch Covid-19 bùng phát, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương luôn đầy ắp bệnh nhân. Ngày trước tất cả các F0 đều nhập viện số ca đông nhưng áp lực không nhiều như hiện tại vì chỉ người bệnh nặng mới vào viện.
BS Thiệu cho biết mỗi ngày anh tiếp nhận 20 – 30 bệnh nhân vào khoa, các y bác sĩ khác cũng tương tự. Mỗi ngày Hà Nội 2000 – 3000 ca thì tương tự bệnh viện càng áp lực hơn. Không chỉ bệnh nhân ở riêng Hà Nội, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương còn tiếp nhận các bệnh nhân cần hỗ trợ ở các tỉnh khác nữa.
Nếu như trước kia ngày Tết ở lại trực bệnh viện các y bác sĩ vẫn cảm nhận được không khí Tết ở các khoa phòng thì khi dịch Covid-19 xảy ra vì hạn chế tiếp xúc thì không khí Tết cũng chẳng còn. Ai cũng làm việc như một cái máy làm sao cho hết công việc của mình. Có lúc thèm không khí trở lại như trước ở bệnh viện đón xuân cũng được nhưng mình thoải mái trò chuyện với mọi người ngay cả bệnh nhân của mình.
Dù ở bên ngoài là không khí đón Tết, ai cũng mong chờ khoảnh khắc ngày cuối năm nhưng tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương vẫn chỉ là những guồng quay công việc cực nhọc, y lệnh, xem xét theo dõi sinh tồn của người bệnh….những tiếng từ máy chạy gấp gáp.
Những áp lực của nhân viên y tế tại BV Hồi sức Covid-19 lớn nhất miền Bắc.
Năm nay, bác sĩ Thiệu có niềm vui mới, gia đình anh đón thêm thành viên thứ hai nhưng thời gian ở cạnh con không có. Hàng ngày, anh chỉ video call với vợ con và không hẹn ngày trở về. Tuy nhiên, có hôm anh Thiệu bận công việc, vợ bận với hai con nên họ lại quên chẳng gọi. Lúc nằm ngả lưng mới nhớ chưa trò chuyện với gia đình thì ngày đã sang canh.
Chị Vũ Thuỳ Linh – điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới trung ương và các đồng nghiệp của mình đều xác định tư tưởng sẵn làm gì có Tết. Chị Linh cho biết bệnh nhân nhập viện đều thập tử nhất sinh. Họ lại không có người thân bên cạnh chăm sóc nên trách nhiệm của nhân viên y tế càng nặng nề. Ai cũng làm việc gấp 200 – 300 % công việc hàng ngày. Dù gần Tết không được ở bên gia đình ai cũng có chút buồn nhưng nhìn thấy hàng chục bệnh nhân đang cần sự hỗ trợ của mình mọi người lại được an ủi.
Chị Linh cho biết niềm vui của mọi người đó là sự bình phục của người bệnh, chứng kiến từ khi họ thập tử nhất sinh tới lúc chia tay ra viện.
Ai cũng biết Tết phải đoàn viên nhưng chị Linh và các đồng nghiệp đều biết rằng họ gia đình sẽ luôn là hậu phương vững chắc cho họ để họ có thể yên tâm làm hết trách nhiệm công việc của mình.
2 năm điều trị bệnh nhân Covid-19 từ chỗ thực hiện 'bệnh viện đa tầng' – nghĩa là tiếp nhận cả bệnh nhân nhẹ và diễn biến nặng, đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 đã chuyển đổi hoàn toàn công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 với quy mô 500 giường ICU. Đây là cơ sở điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch nhất miền Bắc từ trước tới nay.
Hiện có khoảng 500 F0 đang điều trị ở bệnh viện, có hơn 120 ca được chuyển đến từ các cơ sở y tế tại Hà Nội (gồm bệnh viện Trung ương và của Hà Nội). Có gần 200 ca phải hỗ trợ hỗ trợ hô hấp từ mức phải thở oxy dòng cao cao (HFNC) đến thở máy và tim phổi nhân tạo (ECMO), chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân, tăng gấp đôi so với cách đây 1 tháng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.233.287 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.628 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.226.343 ca, trong đó có 1.959.780 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (513.578), Bình Dương (292.823), Hà Nội (125.866), Đồng Nai (99.859), Tây Ninh (87.962).