Cúng rằm tháng Giêng trước ngày 15 có được không?
Thông thường, người Việt sẽ tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào chính rằm, tức ngày 15/1 Âm lịch. Lý do là bởi theo quan niệm, đây là ngày trăng sáng nhất của năm.
Vào thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn thì ắt sẽ cầu gì được nấy, cả năm may mắn, bình an.
Tuy nhiên, với các gia đình quá bận rộn thì có thể sắp xếp cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 14 Âm lịch.
Ngoài 2 ngày này (14 và 15 âm lịch), gia chủ không nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày khác vì sẽ mất linh.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Tô Hưng Giang)
Giờ đẹp cúng rằm tháng Giêng 2022 là giờ nào?
Trong năm 2022 Nhâm Dần này, ngày rằm tháng Giêng ( tức ngày 15/1 Âm lịch), rơi vào thứ Ba ngày 15/2/2022 Dương lịch. Ngày đây là ngày Kỷ Hợi, thuộc ngũ hành là Mộc và này là 1 ngày hắc đạo.
Theo phong tục xưa của người Việt, cúng rằm tháng Giêng nên cúng ngày chính Rằm tức 15 Âm lịch là tốt nhất, đây chính là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm. Do vậy, nghi lễ cúng rằm tháng Giêng 2022 nên được xảy ra vào buổi sáng sớm hoặc lúc chính Ngọ.
Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, gia chủ có thể làm lễ cúng từ sáng ngày 14 tháng Giêng đến trước 19 giờ ngày 15 tháng Giêng là được.
Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 có các khung giờ hoàng đạo dưới đây, gia đình có thể chọn để tiến hành nghi lễ cúng Rằm cũng rất phù hợp:
Giờ đẹp cúng Rằm tháng giêng 2022 vào ngày chính Rằm 15/1:
- Mậu Thìn (07 giờ-09 giờ)
- Canh Ngọ (11 giờ-13 giờ)
- Tân Mùi (13 giờ-15 giờ)
Giờ đẹp cúng Rằm tháng giêng 2022 vào ngày 14 tháng Giêng, tức ngày 14/2/2022 Dương lịch:
- Bính Thìn (07 giờ-09 giờ)
- Đinh Tỵ (09 giờ-11 giờ)
- Canh Thân (15 giờ-17 giờ)
- Tân Dậu (17 giờ-19 giờ)
- Quý Hợi (21 giờ-23 giờ)
Chuẩn bị đồ cúng Rằm tháng Giêng
Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sắm hai lễ: cúng Phật và cúng gia tiên.
Mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, quả tươi, đèn (nến), xôi, oản…. Nếu gia chủ là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo.
Mâm lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày này là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim.
Mâm lễ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm. Đồ lễ khác gồm: Hương, hoa, quả tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, thuốc lá...
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!