Tuổi thơ cơ cực
Về xã Thăng Long (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) những ngày này, hỏi về người hùng Trung Văn Nam thì từ học sinh trung học đến cụ già đều dõng dạc kể lại được hành động cứu người trong biển lửa của anh ấy.
Một cảm xúc nghẹn ngào xen lẫn tự hào là những gì hiện lên trên nét mặt của bà con thôn Ngư Thôn Đại Bản khi nhắc về anh Nam.
Ông Trung Văn Phố tự hào về hành động xả thân cứu người của con trai.
Được người dân dẫn về tận nhà, tôi gặp ông Trung Văn Phố (58 tuổi) bố đẻ của anh Nam khi ông chuẩn bị ra đồng đi thăm ruộng. Thấy có khách lạ, ông Phố gác lại công việc để ngồi trò chuyện.
'Sau khi học xong lớp 12, Nam vào TP Hồ Chí Minh đi học lớp vệ sĩ trong khoảng 6 tháng. Trong 7 năm làm việc tại quận 1, Nam ngày nó làm bảo vệ ở toà nhà Bitexco, tối đi lái xe. Trong thời gian này, Nam nó tranh thủ học thêm nghề điện công nghiệp… Dù lương chỉ được khoảng 8 triệu/tháng nhưng năm nào nó cũng gom góp để gửi về cho bố mẹ từ 10 - 15 triệu để mua thuốc thang và chi tiêu. Sau khi chị gái vào Nam và lấy chồng, nó chuyển về Bắc để tiện đỡ đần khi bố mẹ cần', ông Phố kể.
Theo ông Phố, tuổi thơ của anh Nam rất cơ cực, từ hồi lớp 4, anh đã phải ra đồng bắt lươn để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
'Nhà ở quê, tài sản chỉ có vài sào ruộng nên hồi mới lấy bác gái thì bác chẳng có gì. Biết cảnh nhà vất vả nên từ ngày nhỏ, Nam đã chịu khó phụ giúp bố mẹ, lớn hơn thì đi bắt lươn, bắt ốc để bán lấy tiền mua quyền sách, quyển vở và đóng học phí', ông Phố nói.
Ông Phố và bà Thiếp bật khóc khi nhắc về tuổi thơ cơ cực của người hùng Trung Văn Nam.
Dưới ánh chiều tà, bà Lê Thị Thiếp (58 tuổi, mẹ anh Nam) trở về sau một ngày dài đi cấy thuê. Rửa vội đôi ủng, bà Thiếp với đôi lưng còng nhoẻn miệng cười: 'Vụ mùa tới rồi nên bác đi cấy thuê, công 300 nghìn/ngày. Tranh thủ làm chục buổi để lấy tiền sắm Tết'.
Bà Thiếp vẫn còn nhớ như in cảm xúc khi được hàng xóm báo tin đứa con trai vừa liều mình vào biển lửa để cứu bé gái ở Hà Nội.
'Tôi đang đi nấu cơm thì hàng xóm báo tin con trai mới lên báo, rồi họ đưa tôi xem clip thằng Nam nó nhảy lên mái tôn, lao vào đám cháy để cứu bé gái. Lúc xem, tôi vừa cổ vũ vừa run, cứ sợ nó bị sao thì tôi đến chết mất', bà Thiếp chia sẻ.
Bà Thiếp nước mắt lưng tròng khi nghĩ đến thời khắc sinh tử khi con trai lao vào biển lửa cứu người.
Ước mơ dang dở
Khi được hỏi cuộc sống của anh Nam ngày nhỏ, bà Thiếp không giấu được cảm xúc mà bật khóc nức nở:
'Ngày nhỏ nó đã đi ra đồng bắt lươn, lên núi hái củi để mang đi bán kiếm tiền ăn học. Nó ước mơ học trường sĩ quan quân đội, nhưng nhà nghèo quá nên không dám cho thi, rồi sau đó nó đi vào Nam làm luôn để kiếm tiền gửi về nhà. Đến giờ, nó vẫn ước ao được khoác lên mình bộ quân phục của người lính, nên khi thấy ai có áo là nó cứ xin mặc thử, y như một đứa trẻ vậy'.
Mặc dù đau ốm thường xuyên nhưng bà Thiếp vẫn cố gắng làm lụng để có tiền lo cho gia đình.
'Từ ngày ở trong Nam, tuần nào nó cũng gọi về để hỏi thăm sức khoẻ bố mẹ. Biết bố bị xương khớp, mẹ thì bị đau lưng nên nó thường xuyên gửi tiền, rồi nhờ người đưa thuốc về cho 2 ông bà. Ngày tôi bị ốm đi viện, nó chạy xe từ Hà Nội về nhà để chăm, phải đến lúc tôi khỏi thì nó mới trở lại trên đấy', bà Thiếp nghẹn ngào.
Không chỉ là một người con có hiếu, anh Nam còn là một tấm gương mẫu mực, đóng góp hết mình vì sự phát triển của địa phương.
'Dù xa quê nhưng mỗi khi thôn có vận động đóng góp, Nam thường xuyên ủng hộ hết mình. Vừa qua, khi thôn lập chốt kiểm soát Covid-19, Nam và chị gái đã gửi tặng 1 triệu đồng hỗ trợ. Khi về quê các dịp Tết, Nam mua bánh kẹo, hoa quả tặng các hộ dân khó khăn trong thôn. Dù không dư giả gì, nhưng Nam luôn hết mình vì làng quê, thôn xóm. Tấm gương của cậu ấy đáng để thế hệ trẻ trong thôn noi theo và học tập', ông Lê Trạc Lượng, trưởng thôn Ngư Thôn Đại Bản chia sẻ.
Ông Lê Trạc Lượng, trưởng thôn Ngư Thôn Đại Bản đánh giá cao những hành động hỗ trợ địa phương của anh Trung Văn Nam.
Dù đã 4 ngày trôi qua kể từ khi xem clip anh Nam cứu người nhưng đến nay, anh Lê Văn Thịnh (33 tuổi, hàng xóm gia đình anh Nam) vẫn chưa tin đó là sự thật.
'Mỗi lần Nam về thì cậu ấy đi khắp xóm, đến chơi từng nhà. Không phải khen chứ thật tình cả làng quý cậu ấy đấy. Ở quê, trước nay cậu ấy luôn được biết đến là người không rượu chè, cờ bạc, không tham gia tệ nạn xã hội gì. Cứ mỗi lần Nam về là căn nhà cấp 4 của hai ông bà lại rộn ràng như ngày Tết', anh Thịnh bộc bạch.
Ông Phố và bà Thiếp hiện đang ở tạm tại nhà người anh do ngôi nhà cấp 4 đã nhường lại cho con gái mới trở về từ miền Nam, hiện đang cách ly.
Như Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, ngày 12/1, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại số nhà 107, ngõ 51 Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Lúc này, trong nhà có cháu Vũ Hải Yến đang bị mắc kẹt ở trên tầng 3, anh Trung Văn Nam đã bất chấp hiểm nguy, cùng nhóm thợ phá cửa sổ, cứu cháu bé khỏi đám cháy.
Trước hành động xả thân cứu người trong hoả hoạn, anh Trung Văn Nam đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn và một số đơn vị khác khen ngợi, tuyên dương, tặng Bằng khen.