Được bao phủ bởi màu sắc rực rỡ và các hình minh họa vui nhộn trên những bức tường và khoảng sân, công viên nghệ thuật rộng 1.000 mét vuông ở thành phố Đài Trung, miền Trung Đài Loan (Trung Quốc), đã trở thành địa điểm yêu thích của rất nhiều người trên khắp thế giới nhờ hình ảnh kính vạn hoa, thu hút khoảng hai triệu lượt khách du lịch mỗi năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Mọi người không chỉ đến thăm ngôi làng chỉ vì vẻ đẹp rực rỡ, mà còn vì họ yêu thích những câu chuyện phía sau của các tác phẩm: Câu chuyện về một ngôi làng đã từng trên bờ vực bị phá hủy, nhưng đã được hồi sinh thần kỳ nhờ những bức tranh đơn giản của một cựu chiến binh, đồng thời mang lại cho cư dân ngôi làng một cuộc sống thậm chí còn rực rỡ hơn trước kia.
Người nghệ sĩ gạo cội
Ông Hoàng sinh ra tại vùng ngoại ô Hàng Châu, Trung Quốc. Năm 1937, khi mới chỉ là một thanh niên 15 tuổi, ông đã rời bỏ quê hương để tham gia chiến tranh Trung - Nhật lần 2.
Sau Thế chiến 2, ông di cư sang hòn đảo Đài Loan. Gia đình của những người như ông được cho ở tạm tại các ngôi làng trên khắp hòn đảo. Dần dần, những ngôi làng tạm bợ ấy lại trở thành nơi định cư lâu dài của họ. Sau khi nghỉ hưu, ông Hoàng đã dùng số tiền mình tích cóp được để sống trong một căn nhà tại ngôi làng nơi ông đã có 40 năm hạnh phúc trong quá khứ.
Năm 2007, ông Hoàng Vĩnh Phúc, khi đó đã 84 tuổi - biết rằng, ngôi nhà của ông sắp bị phá bỏ. Để tạm biệt ngôi nhà đã gắn bó gần 30 năm của mình, ông Hoàng cầm một chiếc bút lông và bắt đầu sơn vẽ lên đồ đạc của mình. Những hình ảnh vui nhộn của các sinh vật từ trí tưởng tượng bay bổng và ký ức lần lượt được ông thổi hồn, từ tủ quần áo, bàn làm việc, chiếc ghế đẩu, đến tận bức tường phía bên ngoài và những ngôi nhà bỏ hoang của hàng xóm.
Những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ sắc màu ở Ngôi làng Cầu vồng tại thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CNN.
Ông đã không biết rằng số phận của ông, cũng như ngôi nhà thân yêu sắp rẽ sang một con đường tương lai hoàn toàn mới.
Ngã rẽ mở ra một tương lai mới
Một đêm năm 2010, một sinh viên tình cờ gặp gỡ người họa sĩ già và biết được câu chuyện của ông. Sau khi chụp một vài tấm hình về những bức vẽ này, người sinh viên đã bắt đầu chiến dịch gây quỹ để mua cọ vẽ cho ông Hoàng, đồng thời thỉnh cầu ngừng việc phá bỏ ngôi làng.
Tin tức về 'Ông Cầu vồng' được lan rộng và trở nên sôi sục trên khắp cả nước. Chính quyền thành phố Đài Trung cuối cùng cũng đã đồng ý giữ lại ngôi làng và biến nơi đây trở thành một công viên công cộng vào năm 2014. Ông Hoàng, hiện 98 tuổi và được biết đến với biệt danh 'Ông Cầu vồng', được phép ở lại và tiếp tục công việc hàng ngày của mình - vẽ tranh cho ngôi làng và chào đón du khách.
'Trái tim của tất cả mọi người đều thổn thức với những bức tranh và câu chuyện của ông Hoàng. Ông ấy không đòi hỏi bất kỳ sự giúp đỡ nào. Ông ấy chỉ đơn giản là yêu mến ngôi nhà của mình'.
Ngôi làng cầu vồng rực rỡ sắc màu tại thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CNN.
Những tác phẩm nghệ thuật đường phố
Khi hình ảnh về Ngôi làng Cầu vồng được lan rộng, rất nhiều du khách đã ghé thăm nơi đây. Ông Hoàng thường đi ra ngoài để chào đón khách du lịch với chiếc áo cổ bẻ nút và chiếc mũ phẳng, cùng đôi tay lấm lem vì công việc hội họa vào sáng sớm.
Đó đã trở thành một thói quen từ những năm tháng dậy sớm khi ông còn trong quân đội. Ông nhớ lại: 'Có rất nhiều thứ tôi không thể làm được nữa, nhưng tôi biết tôi vẫn có thể vẽ. Vẽ giúp tôi khỏe mạnh, và nó biến một nơi cũ kỹ trở thành một nơi tươi sáng, vui vẻ'.
Sau một giấc ngủ trưa dài, ông Hoàng lại chậm rãi rời khỏi căn nhà trong cái nóng của buổi xế chiều để chào đón những du khách mới đến với ngôi làng.
Ông Hoàng Vĩnh Phúc – 'Ông Cầu vồng' của ngôi làng thần tiên ở thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CNN.
Ông Nhân, 68 tuổi, đã hỗ trợ ông Hoàng từ năm 2010 và chia sẻ tầm nhìn của ông về ngôi làng: 'Chúng tôi muốn nơi này trở nên vui vẻ, có thể chữa lành và tràn ngập không khí lãng mạn'.
'Thứ truyền cảm hứng ở ngôi làng này không chỉ là câu chuyện phía sau mà còn là những tác phẩm rực rỡ của ông. Rất nhiều bạn trẻ sáng tạo nghệ thuật đường phố, nhưng không ai có thể đem lại cảm xúc như ở đây', một du khách vui vẻ.
Tất cả những hình vẽ tại ngôi làng đều lấy cảm hứng từ những kỷ niệm, những tưởng tượng từ thời thơ ấu của ông Hoàng. Thật đẹp biết bao khi một ông cụ cầm cọ vẽ lại chú cún ngày xưa, vẽ lại người giáo viên yêu mến, hoặc vẽ lại cảnh chơi đùa cùng bạn bè trên những cánh đồng rộng lớn của Trung Hoa.
Gìn giữ và phát triển
Do tình trạng sức khỏe, ông Hoàng hiện đang sống tại một địa điểm biệt lập và hiếm khi tự mình về thăm làng. Tuy nhiên, Ngôi làng Cầu Vồng – nơi không còn bất kỳ cư dân nào, vẫn phát triển cuộc sống của riêng mình. Ngôi làng tiếp tục được bảo tồn khi các bức tranh tường được sửa chữa và làm mới bởi các họa sĩ trẻ.
Ông Hoàng Vĩnh Phúc – 'Ông Cầu vồng' của ngôi làng thần tiên ở thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CNN.
Không ai biết liệu ông Hoàng có thể còn vẽ được trong bao lâu, hoặc những tác phẩm rực rỡ màu sắc của ông sẽ đi về đâu nếu ông qua đời. Cũng có người đề nghị mở rộng Ngôi làng Cầu vồng trở thành một trường nghệ thuật cho trẻ em, hoặc biến nhà của ông Hoàng thành một viện bảo tàng. Tuy nhiên, ở độ tuổi xế chiều, hàng ngày ông chỉ còn biết đến một thứ:
'Nếu tôi còn có thể tỉnh dậy và vẽ vào ngày mai, tôi vẫn sẽ tiếp tục. Nếu không, tôi vẫn cảm thấy vui vẻ vì biết rằng nơi này sẽ tồn tại và giúp mọi người hạnh phúc'.