Những năm gần đây, Tiếng Việt dường như đang trở thành một xu hướng ngôn ngữ mới mà nhiều bạn trẻ nước ngoài dành sự quan tâm, đặc biệt là các học sinh, sinh viên đến từ châu Á. Ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc tiếng Việt còn được đưa vào danh sách các môn Ngoại ngữ 2 trong kỳ thi Đại học, cùng với Tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập.
Một số người nhận định rằng, tiếng Việt thuộc top những ngôn ngữ khó học bậc nhất thế giới. Nhiều sinh viên người nước ngoài khi chọn học ngành Tiếng Việt hay Việt Nam học cũng phải cúi đầu trước độ lắt léo của hệ thống tiếng nước ta. Mới đây, một đề ôn tập kiểm tra trình độ ngôn ngữ dành cho người Nhật học tiếng Việt được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người quan tâm.
Bạn có tìm ra được đáp án chính xác của các câu hỏi này không?
Trong đề này, phần đầu tiên là phần kiến thức ngôn ngữ với 7 câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm, yêu cầu thí sinh chọn từ thích hợp để điền vào chỗ trống. Nghe có vẻ đơn giản nhưng ngay từ câu hỏi đầu tiên đã khiến nhiều người “vò đầu bứt tóc”, vô cùng hoang mang không biết nên chọn đáp án nào cho đúng.
Ví dụ như câu hỏi 'Phòng tôi rộng...' có 4 đáp án là: Mênh mông, bao la, bát ngát, thênh thang. Nhìn qua thì có vẻ là câu hỏi dễ nhưng nhìn xuống đáp án thì đúng là phải phân tích rất kỹ lưỡng mới có thể đưa ra đáp án chính xác. Bởi tất cả các đáp án đều có nghĩa rất sát nhau và cần phải phân tích từng ngữ cảnh mới có thể chọn được.
Ví dụ như từ bao la hay bát ngát dùng để miêu ta một khu vực cực kỳ rộng lớn như: cánh đồng, trường học, bệnh viện. Mức độ sẽ rộng hơn căn phòng ngủ thông thường nên có thể loại 2 đáp án này. Còn từ thênh thang thường để miêu tả con đường đi nên cũng bị loại. Vậy thì chỉ còn đáp án là mênh mông. Tuy nhiên, nếu là người Việt cũng cần phải phân vân suy nghĩ mãi mới ra đáp án thì với người Nhật quả thật không dễ dàng.
Các đáp án đều rất sát nghĩa nhau, nếu không đặt vào ngữ cảnh cụ thể thì khó mà tìm ra câu trả lời chính xác.
Được biết, bài thi của kỳ thi này được đánh giá trên 7 cấp độ từ 1 đến 6 và cấp cận 6, trong đó cấp 1 tương đương với trình độ cao nhất. Trong ảnh là phần ôn tập dành cho những ai có nhu cầu lấy bằng V1, do vậy mà mức độ khó khiến cả người Việt đau đầu cũng là điều dễ hiểu.
Đề thi sau khi được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận và đa số đều tỏ vẻ kinh ngạc trước đề thi khó nhằn này.
Một số bình luận củ cư dân mạng:
'Đọc xong đề thi mà tôi hoang mang không biết mình có phải là người Việt không nữa'
'Sao nhìn đáp án nào mình cũng nghĩ là đúng vậy nhỉ. Những câu khác thì không nói chứ như câu 4 thì hai từ tìm và kiếm đều đúng mà nhỉ, khác nhau ở chỗ nào ta?
'Mình là người Việt thi bài này còn chưa chắc qua chứ nói gì người Nhật. Nhìn câu hỏi thì cứ tưởng dễ mà nhìn đáp án xong hoang mang quá'
'Mấy nay cũng có bạn người Hàn nhờ mình làm bài tập tiếng Việt giùm. Mình cũng sẵn lòng niềm nở mà giúp đỡ. Tới khi đưa cái đề, ơi là trời, tự hỏi bản thân mình có phải là người Việt không, thật sự không biết phải chọn đáp án nào'.
Một số bình luận của cư dân mạng 'kêu trời' vì đề thi quá khó, đến bản thân là người Việt còn không biết nên chọn đáp án nào.
Nếu người Việt thường ôn luyện tiếng Anh để lấy chứng chỉ IELTS, TOEIC,... thì ở Nhật lại có kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt gọi là ViLT.
Kỳ thi năng lực tiếng Việt tại Nhật Bản được tổ chức lần đầu vào năm 2017 với mục đích chuẩn hóa tiếng Việt, công nhận một cách công bằng để truyền bá tiếng Việt tại Nhật, nâng cao trình độ tiếng Việt cũng như khả năng vận dụng tiếng Việt của người học.