Đề thi chọn Học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm 2021-2022 môn Ngữ văn của Thừa Thiên Huế vừa được đưa ra thảo luận trên một diễn đàn văn học đã thu hút hàng nghìn bình luận của giáo viên và học sinh.
Theo thông tin trên đề, bài thi vừa được tổ chức vào ngày 18/1 vừa qua với thời lượng 180 phút cho 2 câu hỏi. Trong đó, câu hỏi nghị luận xã hội đầu tiên khiến nhiều học sinh phải vò đầu bứt tai vì quá khó lựa chọn. Cụ thể, nội dung của câu hỏi như sau:
'IQ là viết tắt tiếng Anh của Intelligence Quotient, hay được hiểu là chỉ số thông minh của não bộ con người. Chỉ số IQ cao đồng nghĩa với việc người đó sẽ có tư duy, phản xạ nhanh nhạy và ngược lại.
EQ là viết tắt tiếng Anh của Emotional Quotient, được hiểu theo nghĩa là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và xung quanh. Vì vậy EQ là chỉ số đo lường trí tuệ và cảm xúc của con người và là yếu tố quyết định hành vi của người đó.
Nếu phải lựa chọn giữa IQ và EQ thì anh/chị sẽ chọn như thế nào? Vì sao?'.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 12 ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đàm Thị Mai.
Nhiều giáo viên và phụ huynh cho biết, đề thi yêu cầu học sinh lựa chọn giữa IQ và EQ khá hay, có tính phân hóa cao, bài làm sẽ tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi thí sinh. Ngay cả bản thân học sinh tham gia kỳ thi cũng cảm thấy thấy hào hứng khi làm bài. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng lựa chọn phương án nào bởi đây là 2 yếu tố cần có trong mỗi con người.
Nhận xét về đề thi, TS Diêu Lan Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, giảng viên khoa Văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trả lời trên Báo Dân Việt cho hay: Về lý thuyết, người ta chia ra 2 dạng chỉ số IQ và EQ để đánh giá điểm mạnh điểm yếu của mỗi người. Tuy vậy, thực tế hai chỉ số này không mâu thuẫn nhau, không thể tách bạch rõ ràng mà thường đan xen, bổ sung, thậm chí thống nhất và đều quan trọng như nhau. Cảm xúc hay đồng cảm cũng là một dạng trí tuệ và tư duy, sự nhanh nhạy cũng là một dạng trí tuệ.
Như vậy, nếu học sinh chọn EQ hay IQ và lý giải hợp lý thì đều có thể được. Cô cũng cho rằng với đề mở thế này nhiều học sinh sẽ lựa chọn cả hai thì cũng nên công nhận. Đề thi này có thể hay với người này nhưng lại không hay với người khác. Tuy nhiên, theo góc nhìn cá nhân của cô thì không nên đánh giá đề hay hay không hay, mà là đề có phù hợp hay không. Đây là một đề phù hợp với năng lực học sinh, dù nghe đến sự lựa chọn có vẻ không hợp lý lắm, nhưng học sinh hoàn toàn có thể phản biện.
Nhiều học sinh cũng đưa ra lập luận của mình về đề thi này.
Dưới bài đăng về đề thi nhiều học sinh cũng đưa ra quan điểm trái chiều. Một số bạn cho rằng nên lựa chọn IQ vì nếu bản thân mình không có EQ thì vẫn có thể làm được việc. Còn nếu có EQ mà không có IQ thì chẳng thể làm gì hết. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng nên thiên về hướng EQ sẽ dễ làm hơn. Các bạn có thể so sánh con người với cuộc sống thế hệ số, robot rồi sau đó có thể phản biện lại.
Chia sẻ với báo Vietnamnet, nhà tâm lý, giáo dục học Nguyễn Minh Thành đặt câu hỏi 'Vấn đề của đề văn này là người đưa ra đề thi (và chấm) muốn đánh giá điều gì ở học sinh? Khả năng lập luận, hay (và cả) tính chính xác của thông tin khoa học?'.
Theo anh Thành, thực ra ngay chính trong đề này cũng chưa đảm bảo được độ chính xác về mặt khoa học của 2 thuật ngữ IQ và EQ. 'Để chia các "loại hình chỉ số Quotient" thì nhiều lắm, có IQ, EQ, CQ, AQ, SQ, GQ... Và các lý thuyết về "Đánh giá trí tuệ" cũng vô vàn, chứ không chỉ chung chung là IQ'.
Nhiều học sinh cũng cho rằng có thể lựa chọn kiểu 'hoa hậu' là chọn cả EQ và IQ.
Vì vậy, anh Thành cho rằng nếu xét đề văn này dưới góc độ học thuật về IQ và EQ thì... hơi kém. Đề văn này chỉ có thể thiên về đánh giá khả năng lập luận của học sinh thôi.
Được biết, đây cũng là kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia thường được tổ chức vào cuối học kỳ 1 hàng năm. Kỳ thi với mục đích động viên, khuyến khích người dạy và người học; cải tiến, quản lý và thúc đẩy chất lượng giáo dục; phát hiện bồi dưỡng nhân tài và chọn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia, quốc tế.
Năm nay, Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế có tất cả 98 trường tham gia với số thí sinh là 2.293. Môn Ngữ Văn được tổ chức thi vào sáng 18/1 và số thí sinh tham gia là 248.