Học sinh lớp 2, lớp 6 học sách giáo khoa mới
Ngày 9/2/2021, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt 72 sách giáo khoa của tất cả các môn học của lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình GDPT mới).
Lớp 2 có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt, tương đương với 3 bộ sách giáo khoa. Riêng môn Tiếng Anh có 8 cuốn của các đơn vị xuất bản khác nhau. Lớp 6 có 40 sách giáo khoa của 12 môn học, hoạt động giáo dục. Trừ môn Tin học có 2 bản mẫu, Tiếng Anh có 8 bản mẫu được phê duyệt, các môn còn lại của lớp 6 đều có 3 cuốn.
Đây là năm học đầu tiên học sinh lớp 6 và lớp 2 sẽ được học sách giáo khoa mới.
Theo Bộ GD-ĐT, rút kinh nghiệm từ một số bất cập trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1, Bộ Giáo dục và đào tạo giám sát chặt chẽ hơn quá trình thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.
PGS-TS Nguyễn Kim Sơn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Ngày 8/4/2021, Quốc hội phê chuẩn PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay thế cho ông Phùng Xuân Nhạ.
PGS-TS Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966 tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, TP.Hải Phòng. Ông tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn năm 1990 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó ông giảng dạy tại khoa Ngữ văn và trải qua nhiều vị trí công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trước khi trở thành Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 6/2016.
PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Quá trình công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Kim Sơn được đánh giá là người có năng lực, trí tuệ, trình độ, phẩm chất chính trị, có tầm nhìn và biết lắng nghe.
Chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều năm nay đứng trong nhóm 500 thế giới. Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội liên tục xếp vị trí số 1 Việt Nam và nằm trong nhóm 801-1000 thế giới theo các bảng xếp hạng Times Higher Education (THE), QS. Một số lĩnh vực của Đại học cũng nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu thế giới.
Lễ khai giảng đặc biệt nhất lịch sử
Năm 2021, ngành GD-ĐT đã trải qua một năm nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngày 5/9, nhiều địa phương tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến và đây cũng là lần đầu tiên học sinh một số địa phương dự lễ khai giảng năm học mới qua truyền hình.
Tại Hà Nội, lễ khai giảng được tổ chức duy nhất ở Trường trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm vào sáng 5/9 và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PT-TH Hà Nội. Hơn 2,1 triệu học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Thủ đô cùng nhau đón một buổi lễ khai giảng đặc biệt nhất trong lịch sử - lễ Khai giảng trực tuyến.
Một ngày hội tựu trường đặc biệt chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục. (Ảnh minh họa).
Giống với Hà Nội, Bắc Ninh cũng tổ chức lễ khai giảng chung cho toàn tỉnh theo hình thức phát sóng trực tiếp trên truyền hình sáng 5/9. Học sinh được cử đại diện tham dự lễ khai giảng trực tiếp với đầy đủ nội dung của phần lễ. Sau đó, các trường học tổ chức lễ khai giảng trực tuyến.
Tại Nghệ An, Sở GD-ĐT chỉ đạo không tổ chức khai giảng riêng vào sáng 5/9. Theo đó, địa phương này chỉ tổ chức lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Tương tự, Hà Tĩnh tổ chức lễ khai giảng trực tiếp tại một điểm là Trường THCS Lê Văn Thiêm vào ngày 5/9. Từ ngày 6/9, bắt đầu thời gian dạy học theo hình thức trực tuyến.
Lần đầu tiên học sinh lớp 1 của nhiều tỉnh thành chưa một lần được đến lớp
Năm 2021, bước sang năm thứ 2, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm mới với tình trạng lây lan cao, hầu hết học sinh, sinh viên trong cả nước phải nghỉ học, học trực tuyến.
Với phương châm 'tạm dừng đến trường, không dừng việc học', Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch năm học, nội dung dạy học các môn học, hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình…
Học sinh lớp 1 học trực tuyến. (Ảnh minh họa).
Các địa phương, nhà trường đã vận dụng các hình thức dạy học trực tuyến, chủ động điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục xác định học trực tuyến sẽ là việc lâu dài. Nhiều thách thức với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1. Đến hết năm 2021, học sinh lớp 1 tại nhiều địa phương vẫn chưa một lần được đến lớp.
Điểm chuẩn đại học tăng cao kỷ lục, nhiều thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1
Năm 2021, cả nước có gần 1.015.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 100.000 so với năm trước. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2021 là 795.353. (tăng hơn 150.000 thí sinh so với năm 2020).
Nhiều thí sinh không thể đỗ nguyện vọng 1 mặc dù điểm cao ngất ngưởng.
Cùng với lượng thí sinh tăng cao, điểm chuẩn năm 2021 tăng đột biến, thậm chí có những trường tăng đến 9 điểm một ngành. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Cá biệt, 3 ngành của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) lấy điểm chuẩn 30 - 30,5. Như vậy nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30/30) mà không cộng điểm ưu tiên thì vẫn trượt đại học.