Vì sao gọi tháng Chạp là tháng củ mật?
Mọi người vẫn đặt câu hỏi rằng vì sao tháng Chạp lại được gọi là tháng Củ mật mà không phải là một loại củ nào khác.
Tháng chạp là tháng cuối cùng của năm Âm lịch, đối với năm thường thì tháng Chạp là tháng thứ mười hai, đối với các năm nhuận thì tháng Chạp rơi vào tháng thứ mười ba.
Vì lịch âm là lịch được tính theo kỳ trăng nên tùy năm mà tháng Chạp có thể có 29 ngày hay 30 ngày.
Theo dân gian, tháng Chạp là tháng xảy ra nhiều trộm cắp, vì vậy người ta nhắc nhở nhau phải cẩn thận, thận trọng, kiểm soát mọi hành vi, việc làm của mình. Vì vậy tháng Chạp được gọi là tháng củ mật. Trong đó, từ 'củ' có nghĩa là củ soát, kiểm soát, từ 'mật' có nghĩa là cẩn mật. Đó là lời nhắn nhủ lẫn nhau của người xưa.
Tháng Chạp cần kiêng gì?
Vì là tháng củ mật nên dân gian có rất nhiều những quan niệm để tránh việc xui xẻo trong tháng cuối cùng của năm.
Không tranh cãi, gây gổ, đánh nhau
Người ta quan niệm rằng tháng Chạp là lúc ngày cùng tháng tận, nếu trong những ngày này mà tranh cãi với người khác thì dễ ảnh hưởng đến vận trình năm mới, dễ gặp nhiều chuyện phiền phức rắc rối. Ngoài ra, ngày rằm tháng Chạp cũng là lúc mà thần thánh bề trên cùng ông bà tiên tổ về thăm con cháu, có thể nhìn và nghe thấy những điều sai trái chúng ta làm, nếu cố tình gây mâu thuẫn, không giữ hòa khí sẽ bị các đấng bề trên trách phạt.
Thêm vào đó, nóng nảy cãi cọ sẽ khiến cho vận tiểu nhân mạnh thêm mà vận quý nhân càng thêm suy yếu. Gia đình xảy ra nhiều chuyện lục đục, công việc bất thuận gian nan… tốt nhất nên tránh đi là hơn, một điều nhịn là chín điều lành.
Khi có mâu thuẫn với người khác, đừng bao giờ cãi nhau vào sáng sớm, đặc biệt là trong chuyện làm ăn. Rất nhiều người làm ăn kinh doanh không biết rằng buổi sớm mà khó chịu, cáu gắt sẽ khiến cả ngày ế ẩm, không buôn bán được.
Tránh vay mượn
Một trong những điều người xưa quan niệm kiêng kỵ đó là việc vay mượn vào tháng cuối năm. Cận Tết, người người nhà nhà ai cũng muốn sắm sửa cho Tết sung túc, đầy đủ. Tết sung túc là báo hiệu cho một năm mới mọi việc đều đủ đầy, thông suốt.
Tuy nhiên, nếu như vào những ngày cuối năm còn chưa thể thanh toán món nợ của năm cũ mà còn để đến sang năm như một đều thiếu may mắn cho gia chủ.
Vì vậy, tháng Chạp người ta tránh việc vay mượn mà thay vào đó là đi trả hết những món nợ trong năm còn sót để mong muốn một năm mới làm ăn sẽ thuận buồm xuôi gió.
Kiêng kỵ nhặt tiền rơi
Vào tháng Chạp có không ít gia đình tổ chức cúng bái. Ngoài các đồ lễ, họ còn có thể dùng tiền thật để rải đường, vì theo dân gian, tiền rải đường đó là để dẫn đường cho ma quỷ. Vậy nên, khi người nhặt tiền đó về thì có nghĩa là đang dẫn ma quỷ về nhà mình. Sự quấy rối của chúng sẽ khiến cho gia đình gặp sự xui xẻo.
Vì vậy, nếu như ai đó lỡ nhặt tiền đó lên thì nên đi quyên góp, từ thiện, những điều có ích cho xã hội và tránh dùng cho việc cá nhân.
Tránh đổ vỡ
Đổ vỡ là điều cực kỵ trong những ngày cuối năm. Từ xưa đến nay xem việc bát đĩa vỡ điềm báo xui rủi, không màng lại may mắn và sự đổ vỡ đó vào tháng 12 lại càng khiến cho người ta phải bận tâm.
Bởi vì theo quan niệm xưa, khi bị vỡ bát đĩa, gương... là một điềm báo sự xui xẻo cho các thành viên trong gia đình. Về thực tế, việc vỡ các vật dụng trong gia đình sẽ có thể làm chúng ta bị thương và buộc chúng ta phải sắm sửa mới, sự hao tài tốn của đã thấy trước mắt.
Tránh để nhà cửa bừa bộn, ẩm mốc
Tháng cuối năm người xưa quan niệm rằng việc để nhà cửa bừa bộn, ẩm mốc sẽ mang lại điều xui xẻo cho cả gia đình trong năm sắp tới. Thực tế, khi nhà cửa bừa bộn, ẩm mốc sẽ khiến cho con người dễ sinh bệnh tật và tiền thuốc thang, đi viện khi ốm đau là sự xui xẻo người ta thấy đầu tiên.
Vì vậy, khi tháng Chạp đến, đặc biệt là những ngày càng cận Tết người người nhà nhà đều dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa để đón chào năm mới với vạn sự may mắn vào cùng.
(*) Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.