Ý nghĩa của tục tạ mộ cuối năm
Lễ tạ mộ hay còn gọi là lễ Chạp được diễn ra vào những ngày giáp tết nguyên đán. Các gia đình thường ra mộ tổ tiên và người thân đã khuất để lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ, và rước vong linh gia tiên về đón năm mới.
Việc tạ mộ được thực hiện vào dịp cuối năm với quan niệm sửa sang phần mộ, đón người quá cố về ăn Tết với gia đình. Đối với nhiều nhà, tạ mộ cũng là dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra với gia đình trong năm vừa qua.
Ngày đẹp để tạ mộ cuối năm
Đi lễ tạ mộ cuối năm cần chú ý đến tất cả các cụ gần đời mình (như cha mẹ, ông bà tới tam đại, tứ đại) và các cụ cao hơn (gọi là cao tằng tổ tỉ).
Nên thắp hương thăm hỏi cả 'xóm giềng' bên cạnh các cụ. Nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng nên thắp cho họ nén hương.
Tùy theo điều kiện của gia đình mà chọn ngày giờ đi tạ mộ cho thuận tiện.
Dưới đây là một số ngày đẹp để gia đình đi tạ mộ cuối năm, mời gia tiên về ăn Tết Nhâm Dần 2022:
- Thứ Sáu ngày 28/1/2022 (tức 26 tháng Chạp năm Tân Sửu), giờ tốt là Thìn (7h–9h), Tỵ (9h-11h).
- Thứ Bảy ngày 29/1/2022 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu), giờ Tốt là Mùi (13h-15h), Thân (15h-17h).
- Thứ Hai ngày 31/1/20222 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu), giờ tốt là Thìn (7h-9h), Mùi (13h-15h).
Những lưu ý khi tạ mộ để tránh rước xui xẻo về nhà
Chuyên gia Nguyễn Đức Thiêm chia sẻ, trước tiên, khi đi tạ mộ chúng ta phải mang những dụng cụ, phương tiện để dọn dẹp, mang theo một số đồ lễ để lễ bái. Theo phong tục dân gian, lễ thần linh cần mang theo 'lục cúng' (6 món đồ cúng): hương, đèn hay nến, hoa, nước hoặc trà, quả, một ít bánh trái hoặc xôi.
Với vong và thần linh sẽ có 2 vị trí đặt lễ khác nhau, cúng thần linh riêng và thắp hương vong riêng nên chúng ta cần chuẩn bị 2 lọ hoa, 2 đĩa quả.
Ngoài ra chúng ta cần mang theo một ít lễ tiền vàng, một hai bộ quần áo cho vong nam, vong nữ, sắm quần áo mới cho vong linh về ăn Tết cùng gia đình. Chuyên gia Nguyễn Đức Thiêm lưu ý: 'Giữa thành kính và mê tín dị đoan cách nhau một khoảng rất nhỏ. Chúng ta sắm đồ lễ vừa đủ, không xa hoa lãng phí đã là thể hiện lòng thành rồi. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta chở hàng xe đồ lễ, vàng mã đến, đó lại trở thành mê tín dị đoan. Đó là sự lãng phí, không cần thiết'.
'Đã sắm đồ lễ rồi nhưng chúng ta cần lưu ý việc ứng xử thế nào khi đi tạ mộ. Khi đến khu mộ, trước tiên chúng ta phải chào hỏi, tương tự như trong cuộc sống bình thường khi đến thăm nhà ai, chúng ta phải chào người ấy. Chúng ta ra ngoài khu nghĩa trang cũng phải chào các vị thần linh ở đấy. Sau khi chào thần linh xong thì chúng ta chào các vong linh. Sau khi chào hỏi, chúng ta thỉnh các vong linh, thần linh về, mời các thần linh và các vong được thụ hưởng các lễ vật mà chúng ta đã chuẩn bị.
Khi thỉnh thần linh chúng ta lưu ý phải thỉnh đủ các vị thần linh về như sau: Theo đạo Phật, một là Địa tạng Bồ Tát - Bồ Tát trông coi cứu vớt các linh hồn khi mất; thứ 2 là các quan thần bản xứ thổ địa và quan thần ngũ phương. Chúng ta nên nhắc đến hạnh vị của các Ngài thì sẽ tốt hơn. Sau khi chào và thỉnh các Ngài về thụ hưởng lễ vật', chuyên gia Nguyễn Đức Thiêm chia sẻ.
'Đó là những chú ý để chúng ta làm tốt hơn. Nhiều người đi ra tạ mộ chỉ thắp hương mỗi mộ nhà mình thôi, chỉ chào mỗi vong linh nhà mình mà không chào các linh thần. Thần linh độ chúng ta cả phần âm và phần dương, chúng ta chào thần linh thì các vong linh mới thụ hưởng được lễ vật. Tương tự như chúng ta mời khách ở nhà, phải mời từ trên xuống dưới, mời người trên trước, người dưới sau', ông Đức Thiêm giải thích thêm.
Một điều quan trọng mà nhiều người phạm sai lầm và mang theo vận xui về nhà đó là khấn không đúng cách. Theo chuyên gia Nguyễn Đức Thiêm, sau khi mời thần linh và các vong về rồi thì chúng ta khấn các vong linh. Trong khi khấn chúng ta cần lưu ý, có thể nói rõ năm sinh năm mất của các vong linh nhưng người đang khấn chỉ nhắc đến tên của mình thôi chứ không được nhắc tới tuổi hay địa chỉ của người sống. Các nhà pháp cho rằng khi khấn thì có rất nhiều các vong không nơi nương tựa đang ở xung quanh, nếu như nhắc đến địa chỉ, tuổi thì các vong linh này sẽ biết và theo về. Mình mời vong các cụ nhà mình về ăn Tết nhưng những vong này cũng theo về nhà thì rất bất lợi. Đó là điều hết sức chú ý.
Theo đạo Phật, khi cúng lễ xong chúng ta thường nhắc đến hạnh nguyện của Ngài bằng các câu chú. Ví dụ hạnh nguyện của thần linh chúng ta có Chú An Thổ địa. Muốn vong linh của chúng ta tốt, được siêu thoát thì chúng ta dùng Chú Vãng Sinh cho các vong linh của chúng ta. Điều này ít người biết bởi nhiều người dù tấm lòng tốt nhưng đi ra chỉ biết lễ vái các vong linh gia đình mình, trong khi toàn bộ thần linh trông coi thì lại không quan tâm.
Sau khi vãng sinh tịnh độ cho vong linh nhà mình xong, xung quanh đó vẫn có những vong linh không ai nuôi dưỡng, chăm sóc, cúng tế, chúng ta có thể rắc một ít gạo muối và Chú Vãng Sinh cho họ để họ được siêu thoát.
Lưu ý cuối cùng mà nhiều người chưa biết, đó là sau khi xong xuôi mọi việc chúng ta phải biết hồi hướng công đức. Ta hồi hướng toàn bộ công đức của chúng ta cho các thần linh và vong linh để thần linh phù hộ chúng ta và các vong linh được siêu thoát. Đây là một việc mà nhiều người không biết và bỏ qua nhưng lại vô cùng quan trọng không chỉ khi đi tạ mộ cuối năm mà trong bất kỳ công việc lễ bái nào khi hoàn thành xong cũng cần phải hồi hướng công đức để thu về hiệu quả tốt nhất.
(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.