Cửa sổ kính màu, Nhà thờ Hồi giáo Nasie Al Mulk, Iran
1. Cửa sổ kính màu lâu đời nhất tại Nhà thờ Augsburg, Đức.
Nhà thờ theo phong cách Romanesque này được thành lập vào cuối thế kỷ 11 cho cộng đồng Công giáo La Mã trong khu vực. Romanesque là một phong cách kiến trúc của châu Âu Trung Đại, đặc trưng bởi các vòm nửa hình tròn.
Một số nhà sử học nghệ thuật tin rằng những tấm kính màu của Augsburg được hiện thực hóa khi thánh hiến nhà thờ vào năm 1065. Một số khác cho rằng các cửa sổ này có từ ít nhất nửa đầu thế kỷ 12. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về niên đại, nhưng các kết quả đều cho thấy chúng đã gần 1.000 năm tuổi.
Các cửa sổ của Augsburg khắc họa chân dung của các nhà tiên tri và các nhân vật trong Kinh thánh như Moses, Daniel, David, Jonah, và Hosea. Người ta tin rằng những cửa sổ còn sót lại này có thể là một phần của một loạt tác phẩm có quy mô lớn hơn. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bom đạn đã làm hư hại nghiêm trọng nhà thờ. May mắn thay, các cửa sổ kính màu đã thoát khỏi sự tàn phá này và được gìn giữ cho đến ngày nay.
'Prophets' (Các nhà tiên tri), cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, Nhà thờ Augsburg, Đức.
2. Cửa sổ kính màu lớn nhất: Lăng mộ nghĩa trang Phục sinh, Hoa Kỳ.
Lăng mộ Nghĩa trang Phục sinh (Justice, IL) là nơi có cửa sổ kính màu lớn nhất trên thế giới, kỷ lục được ghi nhận bởi Guinness. Pickel Studio đã thiết kế và hiện thực hóa tác phẩm bằng kỹ thuật Dalle de Verre, một loại khảm thủy tinh. Tác phẩm hoàn chỉnh bao gồm 2.448 tấm màu riêng lẻ trên hơn 2.000 mét vuông, trở thành một kiệt tác kiến trúc từ giữa thế kỷ 20.
Các cửa sổ mô tả những câu chuyện trong Kinh thánh, và nhiều chủ đề đáng kinh ngạc khác như khủng long trong Vườn Địa đàng, một vụ nổ nguyên tử, hay tên lửa Saturn V ngoài không gian.
'Eden with dinosaurs', 1969, Lăng mộ nghĩa trang Phục sinh, Hoa Kỳ.
3. Những công trình mang tính biểu tượng nhất: Đền thờ Sainte-Chapelle, Nhà thờ Đức Bà và Nhà thờ chính tòa Chartres, Pháp.
Những cửa sổ kính màu mang tính biểu tượng nhất trên thế giới là những ví dụ điển hình về kiến trúc Gothic ở Pháp.
Khu phức hợp tôn giáo tuyệt đẹp của Sainte-Chapelle, tọa lạc ở trung tâm Paris từ giữa thế kỷ 13, có những bức tường cao 15 mét được bao phủ hoàn toàn bằng kính đầy màu sắc. Ước tính, Sainte-Chapelle sở hữu hơn 1.981 mét kính màu, trên 15 cửa sổ. Đây là vật trang trí, nhưng cũng như phần lớn các hiện vật thời Trung cổ, các tạo tác này cũng mang tính giáo dục ở nhiều khía cạnh. Chúng minh họa hơn 1.100 tập Kinh thánh, lịch sử địa phương và các nhân vật chính trị. Đền thờ này đã thắng trong cuộc thi kính màu đẹp nhất nước Pháp.
Đền thờ Sainte-Chapelle, Paris, Pháp.
Cách Sainte-Chapelle vài bước chân chính là một viên ngọc quý khác của nghệ thuật Gothic Pháp: Nhà thờ Đức Bà Paris. Nhà thờ đặc biệt nổi tiếng với ba cửa sổ hoa hồng, trong đó nổi tiếng nhất chắc chắn là 'South Rose Window'. Jean de Chelles và Pierre de Montreuil đã thiết kế và lắp đặt 'South Rose Window' vào nửa sau của thế kỷ 13. Cửa sổ mang tính biểu tượng này có kích thước gần 13 mét và chứa 84 ô kính. Chúng được chia thành bốn vòng tròn, mô tả các cảnh và nhân vật trong Kinh thánh, từ các sứ đồ đến các thiên thần. Một trận hỏa hoạn vào mùa xuân năm 2019 đã làm hư hại nặng nề cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà, nhưng may mắn thay, những bông hoa hồng xinh đẹp không bị ảnh hưởng.
'South Rose Window', 1260, Nhà thờ Đức Bà, Paris, Pháp.
Một kỳ quan đáng ngạc nhiên khác của nước Pháp là Nhà thờ Chính tòa Chartres. Toàn bộ nhà thờ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1979. Các cửa sổ có lẽ là nhóm hoàn chỉnh nhất còn sót lại từ thời trung cổ (khoảng giữa thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13). Các ô cửa của Chartres cũng kể lại những câu chuyện trong kinh thánh, và cả cuộc sống thế tục.
4. Cửa sổ kính màu sặc sỡ nhất: Nhà thờ Sagrada Familia, Barcelona.
Sagrada Familia là một Nhà thờ nổi tiếng được thiết kế Antoni Gaudí, thiên tài về kiến trúc số một của Tây Ban Nha và châu Âu. Sagrada Familia là nhà thờ công giáo lớn ở vùng Catalan, là biểu tượng nổi tiếng của Tây Ban Nha với lối kiến trúc kết hợp giữa Gothic truyền thống và Art Nouveau hiện đại. Năm 1984, nhà thờ đã được ghi vào danh sách di sản thế giới của UNESCO.
Thông thường, trong một nhà thờ Gothic, những mảnh thủy tinh dày và nhiều màu sắc nhất được đặt ở nơi cao nhất, nơi ánh sáng mặt trời có thể chiếu thẳng vào. Mặt khác ở các khu vực thấp hơn, các mảnh kính thường trong suốt hơn và ít màu hơn. Như vậy bầu không khí chung và ánh sáng của không gian bên trong sẽ được cân bằng.
Gaudí đã làm điều ngược lại. Các cửa sổ trong suốt nhất ở trên cùng, cho phép ánh sáng chiếu rộng khắp các bức tranh ghép. Với thủ thuật này, kiến trúc sư đã tạo ra một hiệu ứng về độ tương phản tối đa.
5. Cửa kính màu có nhiều hình học nhất: các tác phẩm của Frank Lloyd Wright.
Trong thời hiện đại, cửa sổ kính màu cũng làm say mê giới kiến trúc và thiết kế. Vào thế kỷ 19, kính màu ghép đã trở thành một tân trào lưu nghệ thuật tại Hoa Kỳ. Điều này thể hiện rõ nét qua tác phẩm của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright, người tiên phong trào lưu Prairie School, phong trào nghệ thuật tập trung vào mảng kiến trúc và nội thất, hướng tới sự khéo léo và gần gũi với môi trường.
Frank Lloyd Wright đã ứng dụng các hoa văn hình học trừu tượng trên các tấm kính. Mỗi thiết kế là độc bản cho từng tòa nhà. Có rất nhiều nguồn cảm hứng cho những tấm kính màu của Frank Lloyd Wright, nhưng chủ yếu có lẽ là các họa tiết từ Nhật Bản, với các đường đen rõ ràng và các mảng màu lớn.
6. Những tấm kính màu bên trong Nhà thờ Hồi giáo Nasir al-Mulk, Iran.
Nghệ thuật Hồi giáo cũng không thể cưỡng lại bầu không khí huyền diệu tạo nên bởi các luồng sáng đi xuyên qua những ô cửa kính màu. Tọa lạc tại thành phố Shiraz, miền nam Iran, du khách có thể chiêm ngưỡng Nhà thờ Hồi giáo Nasir al-Mulk, thánh đường với một vẻ đẹp đáng kinh ngạc.
Nasir al-Mulk là một trong số ít công trình Hồi giáo sử dụng cửa sổ kính màu. Nhà thờ được xây dựng bắt đầu vào năm 1876 và kết thúc vào năm 1888, theo yêu cầu của Mira Lãnh chúa Hassan Ali Nasir Al Mulk.
Với vô số kính màu và nhiều màu sắc phức tạp, minh họa các yếu tố và thiết kế truyền thống, các kiến trúc sư đã tạo nên mặt tiền rực rỡ cùng với mái vòm kiểu Ả Rập, bên trong là hàng nghìn viên gạch màu hồng trên trần và thảm Ba Tư trải sàn. Mỗi khi bình minh, ánh ban mai chiếu qua các tấm kính, chiếu sáng toàn bộ không gian với sắc độ cầu vồng sống động, chủ yếu là phản chiếu màu hồng trên trần nhà. Cả nhà thờ sẽ tựa như chiếc kính vạn hoa khổng lồ, lung linh đầy màu sắc.
Ngoài tên chính thức, nhà thờ Hồi giáo này còn được gọi bởi những cái tên như 'Nhà thờ Hồi giáo màu hồng', 'Nhà thờ Hồi giáo Sắc màu', 'Nhà thờ Hồi giáo Cầu vồng', hay 'nhà thờ Hồi giáo Kaleidoscope'.
Muhammad Hasan-e-Memar và Muhammad Reza Kashi Paz-e-Shirazi, Nhà thờ Hồi giáo Nasir al-Mulk, 1876-1888, Shiraz, Iran.
7. Cửa sổ kính màu có thông điệp mạnh mẽ nhất: 'Saint Adelaide' tại Nhà thờ Ely, Vương quốc Anh.
Ở Vương quốc Anh, có một viên ngọc trai dành cho những người yêu thích cửa sổ kính màu: Stained Glass Museum - Bảo tàng kính màu, nằm ở tầng trên của Nhà thờ Ely. Tại đây, du khách có thể tìm thấy một trong số những tấm kính có tiếng nói 'mạnh mẽ' nhất thời đại của chúng ta. Đó là 'Saint Adelaide' của nghệ sĩ người Mỹ Kehinde Wiley, một bức chân dung bằng kính màu cao 2,5 mét khắc họa một thanh niên da đen mặc quần jean và giày thể thao, chân dung đương đại của những cư dân da đen trẻ tuổi ở Brooklyn, New York.
Chủ đề của tấm kính thay thế hình ảnh của mọi tấm kính màu truyền thống, luôn khắc họa những vị thánh hay nhân vật da trắng được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo phương Tây.
Jasmine Allen, giám đốc và người phụ trách Bảo tàng Kính màu cho biết: 'Theo một cách đơn giản nhưng mạnh mẽ, nghệ thuật của Wiley đề cập đến sự đại diện của những thanh niên da đen trong nền văn hóa đương đại, và thách thức các quy ước của nghệ thuật phương Tây.' Bà cũng nhấn mạnh việc trưng bày tấm kính màu độc đáo này cho phép công chúng khám phá và đặt câu hỏi về thái độ đối với việc tôn trọng khác biệt chủng tộc, giới tính và tôn giáo, 'Tôi hy vọng du khách của chúng tôi đồng ý rằng đó là một tác phẩm nghệ thuật tích cực và mạnh mẽ.'