Theo quyết định của TP. Đà Nẵng, từ ngày 21/2 tới đây, học sinh tiểu học toàn thành phố sẽ được đến trường học trực tiếp trở lại. Để đón học sinh đến trường trở lại các trường phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch và chỉ những trường ở khu vực cấp độ dịch 1,2,3 mới được mở cửa.
Ngay trong ngày hôm nay 19/2, theo ghi nhận, nhiều đoàn kiểm tra đã đến làm việc với các trường tiểu học về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại. Trong đó, việc trang bị các thiết bị, phòng y tế để dự phòng các tình huống phát sinh được đặc biệt chú ý.
Để đón học sinh đi học trở lại, các trường tiểu học phải đảm bảo các điều kiện an toàn, phòng chống dịch theo quy định
Qua trao đổi, bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết toàn bộ các trường đạt các điều kiện quy định đồng thời bày tỏ rất phấn khởi khi thành phố cho phép tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.
‘Khi mà sau Tết chúng tôi nhận được chủ trường của thành phố về việc tổ chức đi học lại thì không chỉ đội ngũ quản lý và giáo viên ai cũng vỡ òa. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được việc các em được đến trường, được học trực tiếp là niềm vui của các em và cũng có cách để chúng ta tổ chức việc dạy học đạt kết quả cao nhất’ – bà Hà chia sẻ.
Còn với cô Ngô Thị Lệ (Hiệu trưởng trường TH Lê Qúy Đôn, TP. Đà Nẵng) thì những ngày gần đây giáo viên trong trường ai cũng bận rộn hơn và thấy háo hức như lại được ‘đón Tết’.
‘Các cô rất vui khi được gặp các em học sinh, các cô sẽ làm hết mình. Các thầy, cô bây giờ rất mong ngóng các em đến trường và mong làm sao cho các em đến trường vui vẻ, được khỏe mạnh Các cô sẽ làm hết mình vì học trò!’ – cô Lệ nói.
Thầy cô giáo làm việc luôn trưa để sẵn sàng đón học sinh đến trường
Theo quy định của Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng, học sinh tiểu học trở lại trường song chỉ học 1 buổi/ ngày và các trường phải chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu, phân chia buổi học đối với các khối lớp; chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng nội dung dạy học các môn học phù hợp với tình hình thực tế và đối tượng học sinh từng lớp.
Không vội chạy theo chương trình khi học sinh chưa hoàn thành nội dung bài học; mạnh dạn linh hoạt và điều chỉnh thời gian, nội dung, kế hoạch dạy học để phù hợp tình hình của lớp, đối tượng học sinh sau thời gian học trực tuyến; đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm học 2021-2022.
Thiết bị kiểm tra sức khỏe tự động được lắp đặt ở khu vực sân trường
Trường thiết lập phòng cách ly theo yêu cầu
‘Chỉ đạo giáo viên quan tâm đặc biệt đến học sinh lớp 1, có kế hoạch dạy học, hỗ trợ phù hợp với từng học sinh.
Đối với môn Tiếng Việt, trong thời gian đầu, giáo viên có thể giãn tiết trong mỗi bài học, tăng thời lượng để học sinh nắm chắc kiến thức qua từng bài; rèn luyện kĩ năng đọc, viết, tạo tâm thế nhẹ nhàng nhằm giúp học sinh tiếp thu bài tốt nhất. Yêu cầu dạy đâu chắc đấy, học đâu biết đấy, học sinh đạt yêu cầu của hoạt động này mới chuyển qua hoạt động tiếp theo; có thể giảm số tiếng, từ trong bài và dạy vào các tiết ôn luyện nếu học sinh chưa tiếp thu kịp.’ – Công văn của Sở này nêu rõ.
Photo: Trọng Hiếu