Những ngày cuối tháng 12, dư luận Trung Quốc chấn động bởi tin tức một thầy giáo trẻ mới 24 tuổi nhảy cầu tự tử do áp lực công việc nặng nề. Cụ thể, vào ngày 27/12 vừa qua, thầy giáo họ Lâm ở thành phố Tú Thiên, Giang Tô đã nhảy xuống sông tự vẫn trong sự bàng hoàng của người nhà và bạn bè.
Hiện trường xảy ra sự việc thương tâm
Thầy Lâm năm nay mới chỉ 24 tuổi, vừa chính thức được nhận làm giáo viên dạy Lịch sử tại một trường trung học tại địa phương. Thầy Lâm mới đỗ kỳ thi giáo viên vào tháng 6 năm nay và bắt đầu giảng dạy vào tháng 9, tức mới đi làm được khoảng 3 tháng.
Nam giáo viên được đồng nghiệp nhận xét là rất hòa đồng, vui vẻ. Thời gian đầu mới nhận lớp, thầy tràn đầy nhiệt huyết và lúc nào cũng sẵn sàng học hỏi. Vậy mà chỉ 3 tháng sau, thầy chọn cách giải thoát đau đớn như vậy.
Thầy Lâm mới vào ngành được 3 tháng
Theo một đồng nghiệp kể lại, gần đây nhà trường đã tổ chức kỳ kiểm tra hàng tháng như thường lệ. Kết quả của các học sinh do thầy Lâm phụ trách kém nhất khối nên thầy bị lãnh đạo nhà trường phê bình, kiểm điểm. Ngoài ra, thầy cũng bị xếp chót trong bảng xếp hạng thành tích giáo viên toàn trường. Vừa ra trường không lâu đã chịu loạt biến cố khiến thầy giáo trẻ suy sụp, dẫn đến trầm cảm và căng thẳng kéo dài, cuối cùng tìm đến con đường tự giải thoát.
Câu chuyện đau lòng của thầy Lâm đã khiến dư luận Trung Quốc bàn luận xôn xao và chợt nhận ra một vấn đề nhức nhối: sức khỏe tinh thần và áp lực của giáo viên đã được quan tâm đúng mực hay chưa?
Từ lâu nay, cộng đồng thường xuyên phản ánh đến vấn đề áp lực học tập của các em học sinh. Trong đó, không ít trường hợp giáo viên bị ví như ‘nhân vật phản diện’, gây ra gánh nặng cho con trẻ. Tuy nhiên, gánh nặng cũng như sức khỏe tinh thần của giáo viên lại ít được quan tâm hơn hẳn. Không chỉ học sinh mới bị xếp hạng, mà cả điểm thành tích của các giáo viên cũng vậy.
Trong trường hợp của thầy Lâm, vì là giáo viên trẻ mới vào công tác chưa có kinh nghiệm, chưa thích ứng được với nhịp độ công việc nên cảm thấy hoảng loạn, áp lực và chới với dẫn tới cái kết đau lòng.
Thực tế câu chuyện như thầy Lâm không phải lần đầu xảy ra do áp lực từ thành tích nơi trường học. Thế nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng giáo viên là người lớn, sẽ có sức chịu đựng hơn trẻ em nên sức khỏe tinh thần của họ không được quan tâm đúng mực.
>> Xem thêm: Cô giáo tố cáo tiêu cực đã bị Hiệu trưởng đuổi việc