Đa số học sinh, phụ huynh và giáo viên cùng chung nhận định năm nay là năm đặc biệt khó khăn khi học sinh phải học trực tuyến từ đầu năm nên việc bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 là hợp lý để tránh áp lực cho học sinh.
Năm nay học lớp 9, chuẩn bị đối mặt với kỳ thi vào lớp 10 công lập, em Nguyễn Thu Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: 'Chỉ còn một học kỳ nữa là kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội diễn ra. Kiến thức của em bị hổng khá nhiều vì học trực tuyến nên em rất lo lắng.
Chúng em là khóa thiệt thòi vì 3 năm qua đều gần như học trực tuyến là nhiều. Do đó, em cũng muốn được bỏ bớt môn thi vào lớp 10 để giảm tải, tập trung vào 3 môn chính là Văn, Toán, Tiếng Anh'.
Ảnh minh họa
Chị Ngô Phương Anh, một phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10 THPT tại quận Hà Đông cũng tha thiết mong muốn được bỏ môn thi thứ 4.
'Học sinh học online dài ngày rất căng thẳng, mệt mỏi. Tôi chỉ mong Sở GD-ĐT 'chốt' sớm môn thi thứ 4 để cô trò đỡ áp lực hoặc nếu được thì bỏ luôn môn thi thứ 4 đi cho các con đỡ áp lực. Nếu cứ 'ú òa' thế này rồi quyết vào phút chót, học sinh kiệt sức mất', phụ huynh này than thở.
Bà Văn Liên Na - Hiệu phó trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nhà trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp.
Theo bà Na, các môn cơ bản như Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh thì nên kiểm tra còn môn thứ 4 'bốc thăm' thì có nhiều cách bổ sung kiến thức cho các em chứ không nên cứ thi để gây áp lực cho các em trong giai đoạn này.
'Phụ huynh và học sinh thì lúc nào cũng mong muốn giảm tải rồi, nhưng ở điều kiện năm nay thì đề xuất của phụ huynh có lí mà. Vì thế, nếu có thay đổi linh hoạt là bỏ môn thi thứ 4 trong năm nay thì hoàn toàn phù hợp', bà Na nêu quan điểm.
Cũng theo bà Na, trong khi Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả các môn. Vì thế, nếu được Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh. Còn nếu giữ nguyên phương án cũ thì nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3/2022.
Cùng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì không biết khi nào học sinh mới được đi học trực tiếp. Do đó, vị hiệu trưởng này kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất hủy môn thi thứ 4, chỉ nên thi tuyển vào lớp 10 gồm ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh là phù hợp.
'Cách đây 2 năm, Hà Nội đã giảm môn thi thứ 4. Năm ngoái, thành phố rút ngắn thời gian làm bài thi nhưng năm đó, thời gian học trực tiếp ở trường khá nhiều so với năm nay. Năm nay thực sự học sinh nếu thi như bình thường sẽ gặp khó khăn hơn', vị hiệu trưởng này cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, hiện nay nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là duy trì nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như tổ chức dạy học linh hoạt và bảo đảm chất lượng.
'Nếu học sinh được phép học trực tiếp, các nhà trường cần đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch, tận dụng tối đa thời gian để ôn tập, củng cố nội dung, còn khiếm khuyết khi học sinh học trực tuyến, có giải pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch thời gian năm học.
Trong trường hợp học sinh học trực tuyến, cần quan tâm hơn nữa đến các điều kiện tổ chức dạy học; hỗ trợ kịp thời học sinh có hoàn cảnh khó khăn và chú trọng giảng dạy các nội dung cốt yếu; tổ chức đánh giá thực chất; tăng cường động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho học sinh nhiều hơn...
Cũng giống như mọi năm, năm nay, ngoài 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh sẽ biết môn thi thứ 4 vào tháng 3/2022. Đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây nên không thể bỏ', ông Tiến nhấn mạnh.