Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Việc học tập của trẻ em trong mùa dịch vẫn đang là vấn đề khá đau đầu với cả gia đình và nhà trường. Không phải vì những khó khăn trong việc học trực tuyến nữa, khi mà đa số các gia đình đều đã cố thích nghi trong thời gian dài vừa qua mà là tính ổn định của phương án học bị phụ thuộc vào diễn biến dịch. Như tại huyện Mê Linh, Hà Nội tối 6/1 vừa phải yêu cầu các trường trên địa bàn dừng việc kiểm tra học kỳ trực tiếp ngay từ hôm nay (7/1).
Hà Nội: Huyện Mê Linh dừng hoạt động kiểm tra cuối kỳ trực tiếp
Mới chỉ ngày hôm qua, hơn 1.000 học sinh lớp 1, 2 trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn đến trường để ôn tập và làm bài kiểm tra cuối kỳ.
Thì ngay trong tối qua, UBND huyện đã ra quyết định dừng kiểm tra trực tiếp từ 7/1. Quyết định này được đưa ra khi tình hình dịch bệnh một số khu vực ở Mê Linh diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm F0.
Vậy là chỉ sau hai ngày đón học sinh lớp 1, 2 quay trở lại trường, hôm nay, Trường Tiểu học Tráng Việt A lại trong trạng thái cửa đóng then cài và sẽ tổ chức kiểm tra cuối kỳ trực tuyến cho các con - theo kế hoạch đã xây dựng từ trước.
Theo thông tin của đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh, với 29 trường tiểu học, hiện 2/3 đã hoàn thành các bài kiểm tra cuối kỳ. Các trường còn lại theo dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành trong hôm nay nhưng do chuyển sang thi trực tuyến nên các trường đã chủ động chuyển sang phương án kiểm tra cuối kỳ trực tuyến đối với lớp 1, 2. Lịch kiểm tra dự kiến được tổ chức vào thứ 2 tuần tới, đảm bảo việc kết thúc học kỳ 1 vẫn đúng tiến độ.
Một số địa phương có học sinh mắc COVID-19
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Việc quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường vì lo lắng dịch cũng là điều dễ hiểu bởi những ngày qua, một số địa phương đã ghi nhận nhiều học sinh và giáo viên mắc COVID-19. Tại thành phố Bắc Giang đã phát hiện ổ dịch COVID-19 liên quan đến thầy giáo dạy tiếng Anh là người nước ngoài.
Đến nay, 5 trường học với gần 130 học sinh, giáo viên và người thân là F0. Từ sáng 4/1, học sinh các cơ sở giáo dục ở thành phố Bắc Giang đã dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến. Còn tại Hải Dương, toàn tỉnh có 240 học sinh là F0, trong đó TP Chí Linh có 55 học sinh F0, nhiều nhất tỉnh.Gần 5.000 học sinh và giáo viên là F1. 191 trường có học sinh, trẻ mầm non phải học trực tuyến và nghỉ học.
Khảo sát tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi
Nhưng dù thế nào thì vượt qua những khó khăn, thầy và trò tại Hà Nội cũng như tại một số địa phương đang cho học sinh học tập trực tuyến cũng đã hoàn thành học kỳ 1 với nhiều cố gắng. Có một thực tế mà tất cả chúng ta đều phải thừa nhận là đến trường các em học sinh vẫn vui hơn và việc học tập cũng sẽ hiệu quả hơn.
Chính vì vậy mà làm thế nào để các em nhanh chóng được đến trường trực tiếp là trăn trở không của riêng ai. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các kinh nghiệm rút ra từ các địa phương trong nước, chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine để các em có thể đến trường học trực tiếp.
1 tuần vừa qua cũng là 1 tuần cao điểm với đa số các em học sinh tại Hà Nội với việc kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến, đánh dấu trọn vẹn cả một học kỳ học theo hình thức học online. Đặc biệt với các em học sinh lớp 1, lớp 2, độ tuổi lại đang còn rất nhỏ. Con thi lo lắng một thì bố mẹ và giáo viên lo lắng 10. Và có cả những câu chuyện dở khóc dở cười khi kiểm tra online.
Con kiểm tra trực tuyến, phụ huynh đứng ngồi không yên
'Cháu đang thi thì mất điện nên phải thi trong bóng tối có nến và đèn pin của điện thoại. Trong lúc đó, anh cháu đang phải thi ở ngoài hành lang.
Sau khoảng 30 phút, sự cố mất điện mới được khắc phục, lúc đó chúng tôi lại phải bê bàn của con ở bên ngoài vào phòng thi cho cháu làm. Mất điện như này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thi của các cháu' - chị Phạm Thị Hồng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội nói.
Thay vì viết lên giấy kiểm tra, bây giờ trẻ lớp 1 phải tự thao tác trên máy tính. Con làm bài nhưng cả mẹ và cô giáo đều lo lắng.
Để trẻ làm bài kiểm tra trực tuyến đạt hiệu quả, phụ thuộc rất lớn ý thức của bố mẹ trong tuân thủ nội quy nhà trường.
Thông điệp để con tự làm bài được cô giáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần, quán triệt đến từng gia đình.
Ông Lê Trung Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội cho biết: 'Chúng tôi có buổi hội ý với phụ huynh học sinh, đưa ra các vấn đề thi cử, quán triệt đến bậc phụ huynh khi các cháu thi thì ngồi xa không nhắc bài. Đề chúng tôi ra vừa phải để khi các cháu làm bài cho tốt hơn'.
Thực tế, học sinh lớp 1, lớp 2 chưa ý thức được việc kiểm tra, đánh giá và cũng không quan trọng điểm số. Chỉ có các bậc cha mẹ đôi khi đặt nặng thành tích, lo lắng nên vô hình gây nên áp lực tâm lý cho trẻ nhỏ.