Mức thưởng tương đối ổn định tại các trường đại học
Năm ngoái, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thưởng 3 triệu đồng dịp Tết dương lịch 2021, 15 triệu đồng và lì xì 3 triệu đồng dịp Tết âm lịch cho cán bộ, giảng viên và nhân viên.
Năm nay, mức thưởng Tết sẽ cao hơn. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng trường Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết, mỗi người sẽ được thưởng 20 triệu đồng vào Tết âm lịch.
'Năm qua cán bộ, giảng viên đều rất vất vả do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhà trường muốn hỗ trợ thêm để động viên tinh thần cho người lao động. Mức thưởng này được áp dụng giống nhau cho tất cả người lao động từ hiệu trưởng đến người giữ xe, tạp vụ... vì trong năm 12 tháng thu nhập của mọi người đã khác nhau vì vậy thưởng tết được chia đều để chia sẻ với những người có thu nhập thấp hơn. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ chi thưởng vào tuần cuối trước khi nghỉ tết', PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.
Ngoài ra, hồi Tết dương lịch 2022 nhà trường cũng thưởng bằng mức năm ngoái và sau Tết Nguyên đán quay lại mỗi người cũng được lì xì thêm 2 triệu đồng. Như vậy tính toàn bộ thưởng tết ở trường này mỗi người sẽ nhận được trên 25 triệu đồng tiền mặt chưa kể phần quà tết.
Ảnh minh họa
Năm 2021, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được biết đến là trường có mức thưởng Tết cao nhất là 70 triệu đồng tùy từng giảng viên. Thế nhưng năm nay nhà trường cho biết do gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh nên khả năng mức thưởng khó có thể như năm ngoái. Được biết, tuần tới Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ họp để thống nhất vấn đề này.
Còn tại trường ĐH Công nghệ TP.HCM, dù năm nay dịch bệnh nhưng nhà trường vẫn sẽ thưởng tết giống như mọi năm, mỗi cán bộ, giảng viên và nhân viên được tính thêm một tháng lương gọi là lương tháng thứ 13. Mỗi người sẽ có mức thưởng khác nhau tùy vào lương cụ thể từng người.
Khối phổ thông thưởng thấp hơn
Trong khi giảng viên đại học được thưởng vài chục triệu tiền Tết thì một cô giáo trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM) tiết lộ tiền thưởng nhiều năm trở lại đây của cô chỉ ở mức khoảng 1-2 triệu đồng.
'Trường công lập không có lương tháng 13, số tiền thưởng kia là trích từ quỹ của công đoàn ra, cũng có năm nhiều hơn, năm ít hơn, nhưng năm nay vì học sinh học trực tuyến, trường không có nhiều nguồn thu khác nên tiền thưởng giảm một chút.
Giáo viên rất thiệt thòi vì đồng lương, thưởng đều rất thấp, chưa tương xứng với công sức lao động. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải soạn bài, vào điểm, chấm bài cho học sinh tốn nhiều thời gian, công sức. Mình chỉ mong hệ số lương được cải thiện để đi dạy không phải lo nghĩ đến chuyện cơm, áo, gạo, tiền', cô giáo này tâm sự.
Những thầy cô ở vùng cao cũng không trông mong gì chuyện thưởng Tết. Có giáo viên tâm sự chuyện thưởng Tết nhiều năm nay đã như vậy rồi, thầy cô không mong mỏi gì hơn là có thêm chút thời gian quý báu ở bên gia đình. Suốt một năm ròng rã đi dạy xa nhà ít có điều kiện để thăm nom gia đình nên ai cũng trân quý những ngày nghỉ Tết này để về với người thân.
Ngoài những đơn vị khó khăn thì vẫn có những trường tư cố gắng chăm lo để giữ chân nhân viên. Có khoảng 750 nhân viên, giáo viên trong hệ thống giáo dục, đại diện Hệ thống trường liên cấp Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM) cho biết: 'Mặc dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của trường nhưng tôi vẫn cố gắng thưởng Tết cho nhân viên bởi trong hệ thống của tôi đa phần là giáo viên cơ hữu. Họ gắn bó với mình thì mình cũng phải lo cho họ. Mình khó khăn thì người khác còn khó khăn hơn. Năm nay, mức thưởng ở trường tôi trong khoảng 3,5 triệu đến 15 triệu, trong đó, đa số ở mức 6-7 triệu đồng'.