Theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, từ ngày 10/2 sẽ có thêm học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp.
Sau khi học sinh lớp 1 đến lớp 6 tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ đánh giá sơ bộ. Đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh để xây dựng lộ trình cho học sinh các khối lớp còn lại đi học trực tiếp.
Nếu các điều kiện bảo đảm an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận đi học trực tiếp từ ngày 21/2/2022.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh, đa số đều đồng tình ủng hộ việc cho học sinh đến trường nhưng nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng vì nếu các con chỉ đến trường nửa ngày thì bố mẹ sẽ rất vất vả trong việc đón đưa.
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thu Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học lớp 1 cho hay: 'Tôi mong các con đến trường càng sớm càng tốt vì sắp hết học kỳ 2 rồi. Cả năm trời các con học online thiệt thòi quá mặc dù giáo viên và bản thân các con đều rất cố gắng'.
Cùng quan điểm với chị Nga, anh Trần Minh Quân - hiện có một bé học lớp 1 và bé học lớp 4 chia sẻ: 'Thời gian qua các con học online cả nhà kiệt sức rồi chỉ mong con được đi học nhưng là học cả ngày chứ không phải nửa ngày. Nếu cho con đến trường học 1/2 buổi còn khốn khổ hơn là học online. Mọi người cứ nghĩ được 'giải phóng' nhưng thử nghĩ xem một ngày 4 lần đưa đón con thì bố mẹ tập trung đi làm thế nào được'.
Ở một diễn biến khác, đêm 8/2 Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại trường và thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy, học khi học sinh quay trở lại trường.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, đầy đủ tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh.
Trong những ngày đầu quay trở lại học trực tiếp tại cơ sở giáo dục cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen với việc học trực tiếp. Với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường.
Hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng chống dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học, tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.