Qua quá trình thực hiện nghiêm các quy định, kịch bản phòng, chống dịch đã được ban hành, tập huấn, lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong điều trị trẻ em mắc COVID-19.
Đến nay, tỷ lệ trẻ mắc COVID-19, số ca bệnh diễn biến nặng thấp, tuy nhiên vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ mắc bệnh cùng lúc.
Đáng chú ý, hiện nay, các loại thuốc điều trị COVID-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em; do đó, khi 20 triệu học sinh đến trường, số trẻ mắc COVID-19 có thể tăng lên bởi thực tế trẻ em khó thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp 5K…
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, dự báo số ca mắc COVID-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vaccine, trẻ sơ sinh; do đó cần các biện pháp bảo vệ tốt để giảm tỷ lệ tử vong.
Theo đó, Bộ Y tế đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến, gây quá tải. 'Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca mắc COVID-19'.
Nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm vaccine cho học sinh để các em trở lại trường.
Các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo an toàn trường học, nhất là tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa không làm ảnh hưởng hoạt động sinh hoạt cộng đồng và hoạt động học tập trong nhà trường.
Ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện số 136/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, đầy đủ, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh.
Các trường triển khai các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch và xử lý các tình huống phát sinh kịp thời và hiệu quả theo các phương án, kịch bản đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn; không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và ngược lại; theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.