Thomas Pesquet là một nhà du hành vũ trụ người Pháp với 6 tháng hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế trong năm vừa qua. Chính góc nhìn độc đáo này đã cho Pesquet thấy được những vấn đề, những sự thay đổi mang hướng tiêu cực đang diễn ra với 'quả bóng xanh mà chúng ta gọi là nhà' – theo cách gọi của Pesquet trên trang Instagram tràn ngập hình ảnh ngoại mục trong chuyến hành trình của anh.
(Ảnh: Instagram)
Pesquet cho biết những tác động của biến đổi khí hậu có thể được nhìn thấy rõ ràng từ vũ trụ và trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều so với lần anh chứng kiến từ một nhiệm vụ ngoài không gian vào năm 2016. Mối quan tâm về môi trường đã thúc đẩy Pesquet trở thành Đại sứ Thiện chí của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Dưới đây là những chia sẻ của anh về vấn đề biến đổi khí hậu trong một bài phỏng vấn vừa qua.
(Ảnh: Instagram/ CNN)
Những tác động thực sự của biến đổi khí hậu có thể nhìn thấy từ không gian là gì?
Hình ảnh băng tan ồ ạt đáng báo động từ dòng sông băng Upsala ở Patagonia, Nam Mỹ (Ảnh: CNN)
'Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều hậu quả của các hoạt động con người từ ngoài không gian, trong đó có biến đổi khí hậu. Hiệu ứng trực quan rõ ràng nhất là hiện tượng các sông băng tan dần đi mỗi năm và số lượng hiện tượng thời tiết cực đoan tương tự diễn ra ngày càng nhiều. Qua nhiệm vụ đầu tiên của tôi vào năm 2016-2017 và nhiệm vụ thứ 2 vào năm 2021, tôi có thể nhận thấy sự gia tăng về cả tần suất và cường độ của các hiện tượng này như bão, cháy rừng…'.
Một phi hành gia có thể đóng góp gì vào công cuộc chống biến đổi khí hậu?
'Có rất nhiều điều bạn có thể làm từ ngoài không gian để giúp đỡ hành tinh của chúng ta. Trước hết, với tư cách là một cơ quan vũ trụ, chúng ta có các vệ tinh quan sát Trái đất và đo lường các biến số như độ cao của sóng, nhiệt độ của nước biển, băng tan trên các chỏm cực. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên này cũng có thể đưa ra dự đoán về các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra trên Trái đất dựa vào dòng chuyển động của magma và dung nham trong hành tinh. Chúng ta cũng có thể học hỏi cách các phi hành gia tái chế nước và oxy trong không khí'.
Là một người bảo vệ môi trường, bạn có nghĩ đến chi phí môi trường của việc du hành vũ trụ không?
'Du hành vũ trụ đúng là có tạo ra khí CO2 và không thân thiện với môi trường. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên suy xét không chỉ mặt tiêu cực mà còn phải cả mặt tích cực của vấn đề nữa. Số lượng các vụ phóng tên lửa ít hơn rất nhiều so với số lượng các chuyến bay, số lượng các phương tiện công cộng, cá nhân và lượng khí thải từ nhiều ngành công nghiệp khác. Vì vậy, có thể coi rằng tác động của ngành hàng không vũ trụ không thực sự đáng kể. Mặt khác, chúng tôi hoạt động trong không gian để nghiên cứu và thành quả sẽ giúp ích cho hành tinh rất nhiều. Vậy nên du hành vũ trụ là một điều cần thiết'.
Pesquet hy vọng gì về việc bảo vệ hành tinh của chúng ta trong tương lai?
'Nếu có một con đường đúng đắn, không gì là chúng ta không thể làm được. Chúng tôi đủ sáng tạo, chúng tôi có công nghệ và có ý chí nên tôi cảm thấy thật sự lạc quan cho tương lai'.