Ngày 10-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp, đồng loạt 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập, ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.
Tiếp đó, đến ngày 17-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự 'Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng thuộc Công ty Việt Á. Từ đây hé lộ nhiều sai phạm trong việc đấu thầu bộ kit xét nghiệm COVID-19.
Thủ đoạn 'thổi giá' đằng sau những trang hồ sơ hoàn hảo
Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID. Đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm COVID cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Giám đốc CDC Hải Dương.
Theo tài liệu của Cơ quan công an, quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương trên cả nước và việc sản phẩm kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành.
Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt đã chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...
Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước...
Đại gia siêu 'nổ' chuyên nói đạo lý và kế hoạch rút ruột đồng bào
Theo thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), kit test COVID-19 đầu tiên của Việt Nam là do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y và Việt Á phối hợp 'nghiên cứu và sản xuất', kết quả đã được thông qua vào 3-3-2020. Đúng một tháng sau, bộ kit test này được Bộ Y tế cấp phép. Cũng theo Bộ KH&CN (hiện đã gỡ thông tin khỏi trang web của Bộ KH&CN), WHO đã chấp thuận và Anh đặt mua độc quyền; khoảng 20 nước đặt mua và nhiều tổ chức quốc tế quan tâm.
Bị can Phan Quốc Việt.
Lúc ấy cả nước vui mừng vì lần đầu tiên một sản phẩm 'made in Việt Nam' ra đời giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội ở Trung Quốc. Việc Việt Nam chế tạo thành công bộ kit test này sẽ giúp lực lượng y tế phòng ngừa từ xa chủng virus này nếu chẳng may xâm nhập vào Việt Nam và tự hào hơn cả là do người Việt lần đầu tiên sản xuất và còn xuất khẩu sang nước ngoài.
Nhưng, không ít nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi, ngày 23-1-2020, Việt Nam mới có ca nhiễm virus SAR-CoV-2 đầu tiên, mà đến 3-3-2020 đã 'nghiên cứu và sản xuất thành công' thì nghiên cứu vào lúc nào mà kit test lại chuẩn với virus này? Tuy nhiên, câu hỏi ấy nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Khi ấy Việt cũng lên báo chí 'chém gió', vỗ ngực tự xưng như một ông lớn của ngành y tế. Việt từng chia sẻ với báo chí mình là một người con ngành y, lại may mắn đi vào chuyên ngành khá 'hot', chính là sinh học phân tử Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Và may mắn hơn khi công ty của Việt được Học viện Quân y lựa chọn đối tác hơn chục năm qua, mà đáng kể như việc hợp tác với Học viện Quân y sản xuất thành công kit xét nghiệm COVID-19 'made in Vietnam' vào tháng 3-2020. Khi kit test của Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành thì Phan Quốc Việt lại thao thao bất tuyệt về năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Giá mỗi bộ từ 400.000-600.000 đồng/test, thấp hơn thế giới nhiều lần. Trước khi sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm COVID-19 'made in Vietnam', Việt Á cũng được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit thử...
Ngoài kit test, Công ty Việt Á cũng trúng một số gói thầu như: gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018-2019 cho Bệnh viện Da liễu Trung ương. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Việt Á trúng gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn. Mới nhất là Việt Á trúng gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phan Quốc Việt từng nhấn mạnh với báo chí rằng, không cổ xúy cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tinh thần người Việt dùng hàng Việt để đẩy giá sản phẩm lên cao. Những lời đạo lý của Việt nhận được sự cảm kích, ngưỡng mộ của nhiều người và cả truyền thông khi ấy: 'Quan điểm của tôi là người Việt dùng hàng tốt giá tốt. Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình. Vậy tại sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân mình'.
Thế nhưng, đến ngày 19-12, khi Phan Quốc Việt cùng Giám đốc CDC Phạm Duy Tuyến và một loạt bộ sậu bị khởi tố và bắt tạm giam thì bộ mặt thật của một kẻ chuyên nói đạo lý đã lộ nguyên hình thực chất lại là kẻ ăn tiền trên xương máu đồng bào.
Bị can Phạm Duy Tuyến.
Nhiều câu hỏi về năng lực của Công ty Việt Á
Trước khi nổi tiếng và được báo chí tung hô là một trong những 'ông lớn' trong ngành Y tại Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất đại trà bộ kit test nhanh tại Việt Nam trong 2 năm trở lại đây thì trước đó, Việt Á lại hoàn toàn là một cái tên xa lạ, thậm chí có thể nói là khá nhỏ nhoi với số vốn đăng ký thành lập ban đầu năm 2007 chỉ 80 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, Công ty Việt Á có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỉ đồng vào tháng 10-2017. Phan Quốc Việt còn đứng tên đại diện pháp luật cho nhiều công ty khác và nhiều chi nhánh ở các tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là Công ty CP Y tế Việt Á, Công ty CP Đầu tư Việt Á Y dược 99, Công ty TNHH Đầu tư phát triển kinh doanh Việt Á, Công ty CP Kỹ thuật Việt Á... Công ty Việt Á cũng mở hàng loạt chi nhánh tại TP Cần Thơ, Bình Dương, Kon Tum.
Liên tục trúng thầu nhiều gói thầu lớn tại các bệnh viện lớn trên cả nước, lẽ ra Việt Á phải là một cái tên được nhiều người trong ngành biết đến, phải có trụ sở cũng như xưởng sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty. Thế nhưng, trên thực tế, dù Việt Á đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh thì nơi này chỉ là một cái biển hiệu được đặt nhờ gần 10 năm nay kể từ khi Việt Á thành lập.
Chưa kể, 'công xưởng' của một công ty lớn được 'nổ' có năng lực cung cấp hàng triệu kit test COVID-19, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm, với tệp khách hàng gồm nhiều bệnh viện lớn, có quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng cùng hàng ngàn nhân viên thực chất lại là 1 căn nhà cấp 4 rất nhỏ, nằm vị trí giáp ranh giữa TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trong đó có một căn phòng rộng chừng hơn 10m2 dành cho các kỹ thuật viên làm công tác pha chế, phối trộn các sinh phẩm để tạo ra bộ kit xét nghiệm PCR. Theo các nhân viên tại phòng sản xuất, mỗi ngày họ pha chế được 30.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 để cung cấp ra thị trường. Trên thực tế, phòng sản xuất chỉ có 10 người. Hầu hết là nhân viên kế toán, bán hàng và tiếp thị vùng với khoảng hơn 100 người. Còn hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ kỹ.
Ngoài Phan Quốc Việt, cơ quan điều tra đã khởi tố: Vũ Đình Hiệp (SN 1986) - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo (SN 1984) - Thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng Trưởng Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo (SN 1990) - Trợ lý tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng (SN 1995) - nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến (SN 1965) - Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường (SN 1985) - nguyên Kế toán Trưởng CDC Hải Dương.