>> Xem thêm: Tình hình sức khoẻ người vợ trong vụ hàng xóm nổ súng ở Thái Nguyên hiện ra sao?
Như Báo Công lý đã thông tin, khoảng 9 giờ 50 phút, ngày 15/2 tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng làm hai người tử vong và một người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, vợ chồng ông Lê Văn T và bà Phạm Thị Đ, (cùng SN 1971, trú tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến) đang xây tường rào cho gia đình con trai ruột thì bị Lê Văn H., (SN 1981, có quan hệ họ hàng với ông T) đứng trên tầng hai nhà H. gần đó dùng súng bắn, làm ông T tử vong, bà Đ bị thương nặng.
Hiện trường vụ việc
Qua điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, Lê Văn H. và vợ chồng ông T có mâu thuẫn về kinh tế, chưa giải quyết được dẫn đến vụ án.
Sau đó, H. dùng khẩu súng tự sát, tử vong. Nhiều người thắc mắc, kẻ gây án tự sát, vụ án sẽ được giải quyết như thế nào?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Khương Tân Phương (Trưởng văn phòng Luật sư Thuân Nam Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Khi xảy ra vụ án mạng, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành các biện pháp xác minh, kiểm tra nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ việc, xác định có đồng phạm hay không, xác định nguồn gốc khẩu súng từ đâu mà có… Sau đó, sẽ căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, đánh giá để đưa ra kết luận có khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Vụ việc hung thủ sử dụng súng bắn chết người, sau đó tự sát nêu trên là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Dù cho xuất phát với bất kỳ động cơ mục đích nào hay do mâu thuẫn gì, việc hung thủ dùng súng để giải quyết mâu thuẫn, tước đoạt tính mạng của người khác đã cấu thành tội 'Giết người'. Hành vi phạm tội của nghi phạm không những gây tang thương mất mát cho gia đình hai vợ chồng ông Lê Văn T. mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Luật sư Phương phân tích, đối với vụ án trên, sau khi gây án bắn chết 1 người và làm bị thương 1 người, nghi phạm đã dùng chính khẩu súng gây án để tự sát. Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mặc dù sau khi thực hiện hành vi phạm tội, hung thủ đã tự sát và chết. Trường hợp này, sẽ phát sinh thực hiện nghĩa vụ thừa kế của người chết để lại cho những người hưởng thừa kế và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản (bồi thường thiệt hại) trong phạm vi di sản do người chết để lại sẽ thuộc về những người hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật (vợ, con, cha, mẹ..), căn cứ Điều 615 (Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại) BLDS 2015.
Trong trường hợp này, người thân của người bị hại có thể thỏa thuận với hàng thừa kế hoặc làm đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại từ những người thừa kế của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nói trên.