Ngày 1/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là 'Omicron tàng hình' đã xuất hiện tại 57 quốc gia trên thế giới.
Omicron đã xuất hiện thêm biến thể mới được giới khoa học gọi là 'Omicron tàng hình' (Nguồn: WHO)
Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần, WHO cho biết kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2021, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu. Hiện biến thể này đã chiếm tới 93% các mẫu xét nghiệm thu thập trong tháng qua. Omicron có các biến thể phụ gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3.
Trong đó, số liệu từ cơ sở dữ liệu GISAID cho thấy BA.1 và BA.1.1 hiện chiếm hơn 96% tổng số mẫu nhiễm Omicron được giải trình tự gene. Đặc biệt, số ca nhiễm biến thể BA.2, phiên bản 'tàng hình' của Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR, đang gia tăng nhanh chóng.
Đến nay, các mẫu giải trình tự gene chứa BA.2 báo cáo lên GISAID đã được ghi nhận ở 57 quốc gia. WHO cho biết tại một số nước, BA.2 đã chiếm tới hơn 50% số mẫu Omicron giải trình tự gene.
Theo WHO, hiện vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt giữa các dòng phụ của biến thể Omicron và tổ chức này kêu gọi có thêm các nghiên cứu về điều này, bao gồm độc lực, khả năng lây truyền, khả năng né tránh phản ứng miễn dịch.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Omicron phiên bản gốc (BA.1).
Bà Maria Van Kerkhove, một trong những chuyên gia hàng đầu của WHO về Covid-19, cho biết thông tin về 'Omicron tàng hình' rất hạn chế, nhưng một số dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 có 'tốc độ tăng nhẹ so với BA.1'. Bà cũng nhấn mạnh Covid-19 vẫn là một căn bệnh nguy hiểm và người dân nên cố gắng phòng tránh lây nhiễm.