TS. Vũ Thu Hương cảm thấy sốc khi nghe tin bé 4 tuổi bị cắm đinh vào đầu.
Thấy gì từ vụ đứa trẻ bị đinh găm vào đầu?
Thực sự, tôi cảm thấy uất nghẹn, đau đớn khi nghe những thông tin đau lòng này. Tôi không thể tưởng tượng được tại sao người ta có thể đối xử tàn bạo với một đứa trẻ như vậy.
Việc hành hạ đứa trẻ dã man như thế là không thể chấp nhận được. Điều này thể hiện đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế, chúng ta không thể đứng yên mà nhìn được.
Thêm nữa, câu hỏi được đặt ra, liệu rằng trẻ em sống trên một đất nước an bình, không có chiến tranh, có điều kiện kinh tế rất tốt có thực sự an toàn và hạnh phúc?
Vấn đề đặt ra, làm sao để trẻ em thực sự là đối tượng quan trọng số 1, làm sao để quyền trẻ em được đảm bảo chứ không phải những lời nói sáo rỗng hay những công ước chỉ 'nằm trên giấy'.
Tôi nghĩ, việc đầu tiên cần xem lại, phải chăng chúng ta đã bỏ ngỏ một mảng rất quan trọng, đó là giáo dục gia đình. Những đứa trẻ sống trong gia đình phần lớn thời gian, do đó gia đình phải là môi trường an toàn và tốt nhất.
Ta có Bộ GD&ĐT để chịu trách nhiệm trong giáo dục nhà trường, nhưng không có cơ quan lo việc giáo dục gia đình, không có một nơi nào can thiệp trực tiếp vào việc dạy con của các bậc phụ huynh.
Thực tế, các bậc cha mẹ dạy con hoàn toàn theo bản năng và sự mách bảo, chứ không có hướng dẫn khoa học. Họ làm tất cả theo cảm tính, quan niệm và lối sống của từng người. Đây cũng chính là sự nguy hiểm đối với sự phát triển của trẻ.
Rất nhiều cha mẹ đã bạo hành con vì họ không kiềm chế được cảm xúc. Ngoài ra, việc những đứa trẻ sống ở trong gia đình cũng hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc và suy nghĩ của người lớn. Một khi họ ghen tuông hoặc gặp những áp lực cuộc sống thì có thể trút giận lên đầu những đứa con.
Với việc bỏ ngỏ, thả nổi giáo dục gia đình, không có một sự hướng dẫn nghiêm túc thì trẻ em tuy được sống trong một đất nước an bình, trong điều kiện kinh tế đảm bảo, nhưng không được an toàn thực sự ngay trong mái ấm của mình.
Nhìn ra các quốc gia trên thế giới sẽ thấy, họ không có nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em. Thậm chí, có những quốc gia chỉ có một tổ chức duy nhất, nhưng tổ chức đó làm việc vô cùng hiệu quả, với luật pháp hết sức rõ ràng.
Trước hết, họ hướng dẫn rất cụ thể những người làm cha, làm mẹ cho đến lúc những đứa trẻ trưởng thành. Việc hướng dẫn được áp dụng vào những mốc thời điểm quan trọng của đứa trẻ như vào lớp 1. Họ sẽ tiếp cận và hướng phụ huynh, đưa ra những lời khuyên, những yêu cầu để giáo dục đứa trẻ. Đặc biệt, họ sẽ kiểm tra những đứa trẻ, từ đó suy ra giáo dục trong gia đình có vấn đề gì hay không?
Bản thân tôi khi ở Đức cũng trải qua một cuộc kiểm tra tương tự như vậy. Họ kiểm tra con tôi nhưng lại dành rất nhiều câu hỏi cho tôi. Từ đó, đưa ra những lời khuyên và thậm chí sẽ bị nhắc nhở nếu phụ huynh có cách hành xử không đúng. Họ cũng đưa ra những yêu cầu nếu giáo dục những đứa trẻ sai quy tắc.
Nếu phụ huynh có biểu hiện bạo hành trẻ thì lập tức cảnh sát sẽ đến và xử lý. Những đứa con sẽ được đưa đến các cơ quan chăm sóc trẻ em và phụ huynh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đấy là những quy tắc ở rất nhiều quốc gia, bạn bè của tôi cũng chia sẻ, một khi con họ có những dấu vết xước, vết thâm do ngã hoặc tai nạn ở đâu đó thì họ vô cùng lo sợ.
Tôi nhận thấy, các cơ quan bảo vệ trẻ em ở nước ta chưa thực sự phát huy được hết vai trò của mình như kỳ vọng. Chúng ta không thấy hoạt động của họ khi những đứa trẻ đang an toàn. Chỉ khi những đứa trẻ gặp chuyện như hai vụ án gần đây thì họ sẽ lên tiếng. Như vậy, thực tế không phải họ đang làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em mà chỉ giống như Tòa án, luật sư để bảo vệ quyền lợi cho những đứa trẻ đã gặp nạn.
Cần có cơ quan giám sát chăm sóc trẻ?
Câu hỏi được đặt ra, phải chăng cần có cơ quan giám sát chăm sóc và giáo dục trẻ? Tôi mong nước ta sẽ có một cơ quan duy nhất về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Họ sẽ kết nối với tất cả những nơi xử lý các vấn đề như cảnh sát, Tòa án nếu những sự việc trở nên nghiêm trọng. Đồng thời, liên kết với Bộ GD&ĐT để xây dựng các chương trình giáo dục gia đình một cách khoa học, nghiêm túc và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ quan này có thể liên kết với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội để phổ biến đến từng gia đình, áp những quy định xuống để yêu cầu tất cả mọi người sẽ thực hiện theo đúng quy định trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ.
Với những việc rất rõ ràng và theo luật pháp như vậy, tôi cho rằng việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em sẽ hiệu quả hơn hiện nay rất nhiều.
Hơn nữa, Nhà nước cần phải tổ chức ra những ngôi nhà tình thương dành cho những em bé bị bạo hành. Ở đó, các con được giáo dục, được chăm sóc theo đúng luật pháp một cách khoa học.
Với những ngôi nhà như vậy, các con sẽ được chăm sóc đầy đủ. Việc đó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ nếu họ có những hành vi bạo hành hoặc chăm sóc trẻ không đúng. Từ đó, họ sẽ cẩn trọng hơn trong từng hành động đối với con cái.
Sự ích kỷ của người lớn
Nhìn lại, từ những vụ việc đáng tiếc vừa qua, tôi cảm thấy người lớn dường như quá ích kỷ. Không ít người cho rằng, họ có được đứa con này thì cũng có thể có những đứa con khác. Do vậy, họ chưa đề cao hoặc không coi trọng sự an toàn của một đứa trẻ.
Ngoài ra, cũng có hiện tượng các bậc cha mẹ nghĩ, khi mình đã sinh ra con là đã ban cho con cuộc đời. Do vậy, mình có quyền muốn cư xử với con như thế nào thì cư xử. Chính những suy nghĩ và quan niệm hết sức ích kỷ, sai lầm như vậy dẫn đến việc họ có những hành vi bạo hành trẻ em.
Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống như ly hôn, họ cũng có những cư xử ích kỷ, gây ra những tổn thương cho những đứa trẻ. Bởi vì, dường như những đứa trẻ lúc này trở thành nơi trút giận của họ. Với tất cả những lý do như vậy, có thể thấy hiện nay cuộc sống của những đứa trẻ hết sức mong manh, bị đe dọa và thiếu an toàn.
Chúng ta cũng biết, hai vụ việc vừa qua, những kẻ gây ra tội ác là tình nhân của cha mẹ các con. Nhưng cha mẹ chính là người chăm sóc và bảo vệ trẻ. Nếu họ không bảo vệ được các con của mình thì những kẻ xấu mới có điều kiện thực hiện những hành vi tàn bạo như vậy.
Trong trường hợp nếu họ bảo vệ các con bằng tất cả sự quan tâm, tình yêu thương và trách nhiệm của mình, chắc chắn không ai dám động đến đứa con của họ. Những kẻ thủ ác chắc chắn sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Nhưng những ông bố, bà mẹ không bảo vệ được con của mình, vì quá quan tâm đến cảm xúc và cuộc sống riêng mà sẵn sàng làm ngơ, thờ ơ khi con của mình bị bạo hành thì chịu trách nhiệm đến đâu trong 'tòa án lương tâm'?