Khác với những năm trước, số lượng cặp đôi ở các thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải và Hàng Châu chọn ngày Valentine năm nay làm ngày đẹp đi đăng ký kết hôn ít hơn so với ngày 22/2. Nguyên nhân là vì nhiều bạn trẻ tin rằng ngày 22/2 là 'ngày tràn ngập tình yêu', bởi số 2 trong tiếng Trung phát âm giống với 'tình yêu'.
Theo số liệu được Cục Dân chính Thượng Hải công bố, trong ngày 14/2 có 945 cặp đội ở thành phố này đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, có tới 1.955 đôi trẻ đã đặt chỗ trước để được đăng ký kết hôn đúng ngày 22/2.
Nhiều cặp đôi ở Trung Quốc chọn ngày 22/2 để đi đăng ký kết hôn. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)
Trong những năm gần đây, ngày Lễ tình nhân 14/2 được biết tới là ngày đẹp với những cặp đôi muốn đăng ký kết hôn đúng ngày lành tháng tốt để cầu may mắn và hạnh phúc. Nhưng trong năm nay, xu thế này đã thay đổi bất ngờ.
'Ai còn muốn đăng ký vào ngày 14/2 khi bạn có một ngày cực đẹp là 22/2/2022? Nói chung, đó là ngày cực đẹp nên chọn ngày đẹp nhất là chuyện bình thường', Thời báo Hoàn Cầu dẫn bình luận của một cư dân mạng Trung Quốc.
Trong khi một số cặp đôi quan tâm tới chuyện chọn con số may mắn để đánh dấu bước ngoặt lớn trong chặng đường yêu đương, không ít người lại tỏ ra hờ hững.
'Ngày bạn đăng ký kết hôn không quan trọng bằng việc cuộc sống sau khi đám cưới diễn ra như thế nào', một cư dân mạng khác bày tỏ.
Như tại thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, tình huống cũng tương tự như thành phố Thượng Hải. Riêng tại quận Củng Thự của thành phố Hàng Châu, 90 cặp đôi đặt giữ chỗ đăng ký kết hôn vào ngày 14/2. Nhưng con số này tăng gấp đôi vào ngày 22/2 với 180 cặp tình nhân. Song số lượng đôi trẻ đăng ký kết hôn vào ngày 14/2 vẫn được đánh giá là cao hơn nhiều so với ngày thường.
Vào năm 2020, chỉ có 512 cặp đôi ở Thượng Hải đặt chỗ đăng ký kết hôn vào ngày Valentine do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đáng nói, vào Ngày Lễ Tình nhân năm 2021, các trung tâm đăng ký kết hôn ở Thượng Hải đã không mở cửa hoạt động.
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ kết hôn và sinh con sụt giảm liên tiếp trong những năm gần đây khiến chính quyền các địa phương tung ra hàng loạt kế hoạch và sáng kiến để khắc phục tình hình. Trong số này, nhiều nơi đã cho xây dựng bộ dữ liệu thông tin để ghép đôi cho công dân, tổ chức các hoạt động hẹn hò, và thậm chí là hỗ trợ chi phí mua nhà dựa trên số con mà một cặp vợ chồng có.
Tại Trung Quốc, cha mẹ thường hy vọng con cái kết hôn trước 30 tuổi. Do đó, không khó để nhìn thấy cảnh bố mẹ chủ động đi tìm kiếm bạn gái hoặc bạn trai cho con cái thông qua mai mối. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khiến chuyện đàn ông ế vợ đang ngày càng trở nên phổ biến ở đất nước tỷ dân.
Mới đây, vào ngày 5/2 tại thành phố Bi Châu thuộc tỉnh Giang Tô, sự kiện ghép đôi đã được tổ chức với sự tham gia của 100 đàn ông nhưng chỉ có 5 phụ nữ. Dư luận Trung Quốc nhanh chóng bị cuốn vào cuộc tranh luận về chuyện 100 chàng trai phải ganh đua để có cơ hội tiếp cận 5 cô gái.
Cục Dân chính Bi Châu thừa nhận sự việc trên là kết quả của tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng giữa số lượng đàn ông đến tuổi lấy vợ đang vượt quá số lượng phụ nữ sinh sống trong thành phố.
Đoạn video cho thấy những người đàn ông xếp hàng dài để chờ tới lượt vào nói chuyện với các cô gái, trong khi trên tay họ đang cầm tờ thông tin về 'đối tác'. Theo người mai mối mang họ Jiang ở thành phố Bi Châu, tình trạng nam nhiều hơn nữ cũng xảy ra ở nhiều thành phố khác.
Ông Jiang nói thêm công ty của ông đã nhận được yêu cầu mai mối cho 100 người đàn ông, nhưng chỉ có 20 người phụ nữ có nhu cầu đi tìm bạn đời. Theo ông Jiang, phụ nữ đang chiếm ưu thế trên thị trường hôn nhân.
'Tiêu chuẩn phụ nữ đặt ra đang ngày càng cao. Những yêu cầu cơ bản đối với nam giới hiện thời là cần có nhà và xe ô tô, công việc có ổn định hay không', ông Jiang nói.
Cũng theo ông Jiang, đây chưa phải là những tiêu chuẩn cuối cùng đối với nam ứng viên. Theo đó, khoản tiền sính lễ cũng là điều khiến nhiều chàng trai lo sợ. Bởi thông thường mức giá là hơn 160.000 nhân dân tệ (25.257 USD) và có thể lên tới 300.000 – 400.000 nhân dân tệ. Vòng cổ, nhẫn và cả vòng tay bằng vàng cũng nằm trong danh sách yêu cầu.
'Những chàng trai có ngoại hình ưa nhìn và xuất thân trong gia đình giàu có sẽ dễ dàng tìm được bạn đời hơn', ông Jiang nhấn mạnh.
Ngoài sự mất cân bằng giới tính, quan điểm hiện đại cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý của giới trẻ liên quan tới chuyện có nên kết hôn hay không. Đặc biệt những cô gái có học vấn và quan tâm tới sự nghiệp thường trì hoãn kết hôn.
Số liệu khảo sát dân số quốc gia 7 năm liên tiếp tại Trung Quốc cho thấy số lượng nam giới đang nhiều hơn nữ giới là 34,9 triệu người.