Ban tổ chức Thế vận hội Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, đã sử dụng hàng chục máy tạo tuyết giả và hàng trăm máy thổi tuyết để tạo ra 1,2 triệu mét khối tuyết phục vụ giải đấu. Đáng chú ý, đây là kỳ Olympic đầu tiên các vận động viên thi đấu trong điều kiện 100% tuyết nhân tạo.
Nguồn tin từ Cnet, động thái của nước chủ nhà có thể sẽ được nhiều nước khác áp dụng trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng tuyết nhân tạo có thể ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Hình ảnh máy tạo tuyết ở Olympic mùa Đông 2022. Ảnh: internet
'Ngay cả khi được cung cấp bởi năng lượng tái tạo thì cũng cần một lượng năng lượng khổng lồ, vừa tốn kém vừa gây ảnh hưởng không tốt tới nguồn nước', một chuyên gia cho hay.
Được biết, hiện thời tiết ở địa điểm tổ chức đang xuống tới âm 10 độ C nhưng thời tiết khô nên không thể tạo tuyết. Nơi đây cũng có lượng mưa trung bình hàng năm khá thấp.
Các vận động viên nói rằng việc thi đấu trong điều kiện tuyết nhân tạo kém an toàn hơn so với trước đây. Vận động viên người Estonia, Johanna Taliharm cho biết: 'Tuyết nhân tạo dày hơn. Do đó, các VĐV phải trượt nhanh hơn và kém an toàn hơn. Bên cạnh đó, những cú ngã trên mặt tuyết nhân tạo cũng đau hơn vì nó không mềm như tuyết tự nhiên'.
Trong khi đó, HLV trượt tuyết của Mỹ, Chris Grover mô tả rằng: 'Cú ngã của các VĐV giống như rơi xuống sân bê tông'.
Địa hình thi đấu môn trượt tuyết được bao phủ trong tuyết nhân tạo. Ảnh: internet
Và điều tất nhiên, không phải vận động viên nào cũng chê điều kiện thi đấu. Vận động viên người Australia, Matt Cox nhấn mạnh rằng: 'Với thời tiết lạnh giá ở nơi đây, tuyết đẹp như mơ'.
Trên thực tế, tuyết nhân tạo được tạo ra từ nước được thổi qua các vòi phun, vỡ thành những giọt nhỏ. Sau đó, những giọt nước này được đóng băng thành tuyết. Theo ước tính, để làm tuyết nhân tạo, nước chủ nhà Trung Quốc sẽ tốn khoảng 180 triệu lít nước. Riêng môn trượt tuyết cần tới khoảng 7 triệu lít nước.