Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid vừa qua, do e ngại không đi khám nên đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám và phát hiện ung thư vú khi bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn.
Điển hình là bệnh nhân V. T. O. 45 tuổi, quê ở Hải Dương, được chẩn đoán và điều trị khi bệnh chuyển giai đoạn muộn do điều kiện gia đình và do e ngại dịch bệnh Covid.
Theo lời bệnh nhân kể lại, tự sờ thấy có u ở vú phải từ trước đó nhưng đến tháng 6 năm 2021 chị mới đi khám tại bệnh viện K.
Ảnh minh hoạ
Tại đây bệnh nhân được khám và chẩn đoán xác định là ung thư vú phải di căn hạch nách phải. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid và điều kiện gia đình thời điểm đó nên bệnh nhân đã trì hoãn không điều trị bệnh ung thư vú.
Đến tháng 1 năm 2022 bệnh nhân thấy u vú phải, vùng nách phải sưng to nhiều, đau vùng vú, nách phải, cột sống chị đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây bệnh nhân được thăm khám lâm sàng và phát hiện thấy có tổn thương khối u lớn 1/2 trên vú phải, thâm nhiễm da vùng u, kém di động kèm theo có nhiều hạch hố nách phải, chắc, kém di động.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm đánh giá khối u vú nguyên phát, kiểm tra toàn thân đánh giá giai đoạn bệnh để lập kế hoạch điều trị bằng siêu âm, Xquang và chụp PET/CT toàn thân, xét nghiệm máu... Sau đó, do tình hình dịch bệnh Covid nên bệnh nhân ở nhà, không đi khám bệnh.
Và thật đau lòng, mới đây khi quay lại viện, chị được chẩn đoán xác định ung thư vú phải di căn hạch nách phải, xương (T4cN2M1). Ung thư đã ở giai đoạn IV.
'Như vậy, sau 1 thời gian trì hoãn không đến khám và điều trị, bệnh ung thư vú của bệnh nhân đã tiến triển, khối u vú to lên về kích thước, hạch nách lớn nhanh và có tổn thương di căn xương (di căn xa). Bệnh chuyển sang giai đoạn IV (giai đoạn cuối).
Sợ Covid-19 trì hoãn đi viện, người phụ nữ mắc ung thư vú chuyển giai đoạn cuối.
Sau đó, bệnh nhân đã được tiếp nhận ngay vào điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai. Ở giai đoạn bệnh này chị sẽ được điều trị bằng hóa trị toàn thân trước và đánh giá sau các liệu trình để quyết định phương pháp điều trị tiếp theo', GS.TS. Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, BV Bạch Mai thông tin.
Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, BV Bạch Mai ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư phổ biến gây tử vong hàng đầu ở nữ giới.
Theo tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN 2020, hàng năm, trên thế giới có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng người 680.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong.
Ung thư vú là một trong số các loại ung thư có khả năng sàng lọc phát hiện từ khi bệnh ở giai đoạn rất sớm và có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh rất cao nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này.
Ngược lại nếu chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ khó khăn, chi phí điều trị cao và hiệu quả sẽ thấp hơn nhiều. Việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú được thực hiện rất nhanh chóng và với chi phí sàng lọc rất thấp.
Người bệnh được sàng lọc bằng phương pháp cơ bản qua thăm khám lâm sàng, siêu âm vú, chụp Xquang tuyến vú và kết hợp xét nghiệm tế bào học, sinh thiết kim nhỏ. Thông thường thời gian tiến hành sàng lọc cơ bản sẽ có kết quả trong vòng 1- 2 giờ.
Hiện nay, để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid và đảm bảo việc khám sàng lọc, chẩn đoán sớm và tiếp nhận điều trị người bệnh ung thư kịp thời, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh Mai luôn đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch theo qui định và vẫn tiến hành khám, tiếp nhận người dân đến khám và điều trị 24/7.
Người dân khi đi khám bệnh cần thực hiện đầy đủ biện pháp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) để đảm bảo an toàn phòng dịch.