COVID-19 lần đầu xuất hiện cách đây hai năm và được coi là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020. Kể từ đó, căn bệnh này đã giết chết hơn 5,4 triệu người, gây ra khủng hoảng kinh tế và khiến sinh kế của hàng tỷ người bị đảo lộn.
Biến thể Omicron, được cho là chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, nhưng đã đẩy mức độ lây nhiễm lên mức kỷ lục ở hàng loạt các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh và châu Âu, buộc các chính phủ phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế tụ tập vào mùa nghỉ lễ.
Ở Pháp, người dân buộc phải đeo khẩu trang nếu muốn đi dạo trên đường phố Paris, lệnh này áp dụng cho mọi công dân trên 11 tuổi.
Còn tại Tây Ban Nha, các lễ hội đông người đã bị hủy bỏ tại hầu hết các khu vực và ở các thành phố lớn ngoại trừ thủ đô Madrid, nơi dự kiến tổ chức lễ giao thừa với 7.000 người tham dự.
Hôm thứ Năm, giới chức y tế Anh thông báo sẽ bắt đầu mở các bệnh viện dã chiến tạm thời để giúp giảm tải cho các bệnh viện.
Indonesia, quốc gia đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca mắc COVID-19, cảnh báo rằng du khách nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi đảo Bali nếu họ bị phát hiện vi phạm các quy định về sức khỏe trong dịp năm mới.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: 'Tôi rất lo ngại rằng Omicron, vốn dễ lây truyền hơn, lưu hành cùng lúc với Delta, đang dẫn đến một đợt sóng thần.'
'Điều này đang và sẽ tiếp tục gây áp lực to lớn lên các nhân viên y tế đang kiệt sức, và hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ.'
Số ca nhiễm biến thể Omicron đã bắt đầu áp đảo một số bệnh viện ở Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Trung bình bảy ngày qua, nước Mỹ ghi nhận 265.427 ca mắc mới, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Nhà dịch tễ học Michael Mina từ Đại học Harvard cho biết con số trên có thể chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm', bởi người dân Mỹ đang không được tiếp cận các biện pháp xét nghiệm.