Biến thể Omicron sẽ chỉ có ảnh hưởng ngắn hạn tới đà tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới. Đó là nhận định vừa được chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đưa ra trong phiên điều trần trước Quốc hội mới đây.
Ông Powell cho rằng, nền kinh tế Mỹ đã bật lên mạnh mẽ sau 2 đợt dịch trước và điều này vẫn có thể lặp lại sau khi đợt dịch hiện nay đi qua đỉnh.
Dù lạc quan trong dài hạn, nhưng ở hiện tại ông Powell cũng đã phải thừa nhận tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron đã tác động đáng kể tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là thị trường việc làm. Nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như bán lẻ đang 'ngấm đòn' từ tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bệnh gây ra.
Cảnh tượng những quầy hàng trống rỗng - vốn từng xuất hiện hồi đầu đại dịch, nay đã quay trở lại tại nhiều siêu thị Mỹ. Ước tính lượng hàng thiếu hụt của các nhà bán lẻ thực phẩm hiện đã vọt lên mức 15%, so với chỉ 5 - 10% ở thời điểm bình thường. Nhu cầu tăng cao trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục gặp nhiều gián đoạn được xem là nguyên nhân chính.
Các tủ lạnh trống không ở một siêu thị thuộc thành phố Cranberry Township, bang Pennsylvania, Mỹ. (Ảnh: AP)
'Tình trạng này đã lan rộng ở nhiều ngành hàng. Từ ngũ cốc, nước tẩy rửa cho tới đồ ăn cho thú cưng, hầu hết các nhà cung cấp đều đang gặp khó khăn về nguồn cung. Trong khi nhu cầu hàng hóa thì vẫn tăng tới 11% so với cùng kỳ năm trước', ông Geoff Freeman, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương hiệu hàng tiêu dùng Mỹ, cho biết.
Ảnh hưởng không nhỏ đến các chuỗi cung ứng chính là làn sóng dịch mới do biến thể Omicron. Tình trạng nhiều người lao động không thể đi làm do có kết quả xét nghiệm dương tính đã gây khó khăn nghiêm trọng cho phần lớn các doanh nghiệp, cả ở khâu sản xuất lẫn hậu cần vận tải.
'Nhiều công ty nói với chúng tôi rằng trong 2 tuần qua số nhân viên của họ xét nghiệm dương tính còn nhiều hơn cả năm 2020. Do đó họ không có cách nào ngoài việc cắt giảm dây chuyền sản xuất, cắt giảm số chuyến xe chở hàng', ông Geoff Freeman cho biết thêm.
Không chỉ các siêu thị, giới nhà hàng ăn uống tại Mỹ cũng hứng chịu khó khăn không nhỏ. Lo ngại lây nhiễm cũng như thiếu hụt nhân viên, khiến nhiều nhà hàng buộc phải giảm thời gian phục vụ, hoặc thậm chí tạm đóng cửa, chuyển sang bán mang về. Doanh thu ăn uống tại nhiều thành phố lớn đã lao dốc ngay trong mùa lễ hội - vốn là thời điểm bận rộn.
Những diễn biến phức tạp của biến thể Omicron được dự báo sẽ vẫn còn tiếp tục trong vòng khoảng một tháng tới. Đang cố gắng cầm cự, nhiều doanh nghiệp chỉ biết hy vọng lao động sẽ sớm trở lại làm việc để quay lại hoạt động bình thường.