Người dân Boston (Massachusetts, Mỹ) tháo khẩu trang khi chính quyền bang này đã cho nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, đến ngày 20/3, đa số các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại Đức sẽ được loại bỏ dần theo 3 giai đoạn. Theo Bloomberg, ở bước thứ nhất, Đức sẽ tiến hành dỡ bỏ ngay lập tức yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 khi vào các cửa hàng không thiết yếu, cũng như không còn giới hạn số người tham dự những sự kiện riêng tư.
Bước thứ hai được đề nghị thực hiện từ ngày 4/3. Người đã tiêm vaccine, khỏi bệnh hoặc xuất trình giấy xét nghiệm âm tính sẽ được vào nhà hàng, khách sạn. Người tiêm mũi nhắc hoặc có giấy xét nghiệm âm tính sẽ được tới hộp đêm.
Bước thứ ba, đa số các biện pháp phòng dịch đều chấm dứt khi điều kiện y tế và dịch tễ tại từng bang cho phép. Người lao động có thể quay lại sở làm.
Đề xuất trên vẫn cần Quốc hội Đức thảo luận và bỏ phiếu trước khi có hiệu lực. Hiện người dân Đức vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội khi tham gia các sự kiện trong nhà hoặc sử dụng những phương tiện giao thông công cộng.
Với Liên minh châu Âu (EU), Đức được coi là quốc gia 'chặt chẽ' trong cuộc chiến chống Covid-19. Từ khi bà Angela Merkel cầm quyền cho tới ông Olaf Scholz, chính sách này vẫn tiếp nối. Người dân Đức cũng như cộng đồng doanh nghiệp nước này chấp hành nghiêm túc các quy định, vì thế trong làn sóng dịch do biến thể Delta gây ra, Đức là quốc gia châu Âu ít chịu tổn thất. Cuối tháng 11/2021, khi biến thể Omicron xuất hiện, Đức cũng là quốc gia châu Âu tiên phong đưa ra những hạn chế nhằm sớm kiểm soát sự lây lan. Tới nay, Omicron cho thấy dù mức độ lây lan nhanh nhưng ít gây tác hại về sức khỏe nên Chính phủ Đức đã tính đến dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Trước nước Đức, nhiều quốc gia châu Âu, đi đầu là Đan Mạch và Anh đã coi Covid-19 như một dạng 'cúm mùa'. Nói như Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thì làn sóng Omicron sẽ chấm dứt sau 2 tuần nữa và như vậy châu Âu sẽ thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Tokyo cũng thông báo nới lỏng nhập cảnh với người nước ngoài từ tháng 3/2022; rút ngắn thời gian cách ly đối với các công dân Nhật Bản và người nước ngoài nhập cảnh vào nước này từ 7 ngày hiện nay xuống còn 3 ngày. Thời gian cách ly sẽ kết thúc sau khi người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida Fumio, điều đó được thực hiện khi thời gian qua có nhiều dấu hiệu cho thấy số ca mắc mới đang trong xu hướng giảm.
Đáng chú ý, Nhật Bản sẽ nâng giới hạn về số người nước ngoài được phép nhập cảnh mới mỗi ngày từ 3.500 người hiện nay lên 5.000 người/ngày.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, Chính phủ Nhật Bản đã công bố các biện pháp khẩn cấp về siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đặc biệt là biến thể Omicron. Lúc đầu Tokyo dự định sẽ chỉ áp dụng các biện pháp này trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tái bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu do biến thể Omicron, tới ngày 11/1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn lệnh cấm này cho tới cuối tháng 2/2022.
Hiện tại, cho dù chuẩn bị mở cửa thì Nhật Bản vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 17 tỉnh, thành (trong tổng số 31 tỉnh thành cả nước) cho tới đầu tháng 3. Chuyên gia Takaji Wakita- Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), nhận định làn sóng lây nhiễm thứ 6 của dịch Covid-19 ở nước này đã chạm đỉnh vào đầu tháng 2/2022.