Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên giải trình.
Nhiều vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng
Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong năm 2021, theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc phát hiện xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020, song tại 19 tỉnh số vụ lại tăng trên 15% số vụ và 15 tỉnh, thành phố số vụ tăng dưới 15%.
Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Trong năm 2021, theo báo cáo của Tổng đài 111, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (72,84%) tăng 5,3% so với năm 2020.
Đặc biệt, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội như: Vụ mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở tỉnh Hải Dương; vụ bé gái 8 tuổi bị 'người tình' của bố bạo hành ở TPHCM dẫn tới tử vong; vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị 'cha dượng' bạo hành, đóng đinh vào đầu; vụ người bố dùng dao cứa cổ 2 con.
Bày tỏ băn khoăn khi theo báo cáo của tổng đài 111, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Gia đình lẽ ra phải là nơi an toàn nhất cho trẻ nhưng lại xảy ra bạo lực với trẻ em.
'Vậy con số đó đã đúng tình hình hay chưa? hay là chỉ những vụ phát hiện được, phần còn lại là 'chìm' chưa phát hiện được?' - bà Thủy chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, bạo lực gia đình vẫn đang tăng lên. Đối tượng chính là trẻ em và phụ nữ. Năm 2021 bạo lực xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra tại gia đình do phần lớn thời gian các gia đình ở nhà do dịch Covid-19. Còn các năm khác là xảy ra ngoài xã hội và nhà trường nhiều hơn tại gia đình.
'Số liệu là dựa trên báo cáo của các cơ quan chức năng và Tổng đài 111, nhưng có thể thực tế còn cao hơn nữa vì nhiều trường hợp chưa phát hiện được và chưa biết' - ông Dung cho hay.
Trả lời Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh về điều tra xử lý các vụ việc bạo lực trẻ em, Đại tá Tô Cao Lanh- Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, các vụ bạo lực trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý các em gây ra. Vụ việc diễn ra trong môi trường kín nên khó khăn trong việc phát hiện và phòng ngừa. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người mất việc làm khó khăn trong kinh tế và mâu thuẫn gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.
Nguyên nhân nào?
ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, theo quy định của pháp luật, trẻ em được cách ly khỏi cha mẹ khi cần thiết và áp dụng biện pháp thay thế nhưng việc truy cứu trách nhiệm bạo hành trẻ em chưa được xử lý nghiêm. Pháp luật có chế tài như hạn chế quyền nuôi con trước hành vi xâm hại nhưng thực tế ít áp dụng. Vậy có rào cản nào trong thực thi pháp luật hay không?
Trước vấn đề trên, theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Luật Hôn nhân gia đình quy định khi vợ chồng ly hôn thì nguyên tắc ai chăm sóc trẻ em tốt nhất thì được nuôi con và dĩ nhiên là theo sự trao đổi của hai người trước đó. Thực tiễn trong những vụ việc vừa qua xảy ra thì khó có thể biết hậu quả tiếp theo là gì, vì căn cứ vào thống nhất của hai bên vào thời điểm đó. Các vụ việc đều xảy ra sau thời điểm ly hôn. Đó là việc khó lường trước. Cho nên đã đến lúc Việt Nam nên áp dụng vấn đề giám hộ. Tại một số nước, khi nghe trẻ em khóc là lực lượng này có quyền vào nhà để xem xét.
Theo Bộ trưởng Dung, không ít tổ chức, chính quyền địa phương chưa quan tâm tới công tác trẻ em. Trong khi đó xung đột gia đình và sự ứng xử không đúng mực của người lớn sau ly hôn gia tăng. Như 2 vụ ném trẻ em xuống sông đều là từ xung đột gia đình. Khi vợ chồng 'có vấn đề' thì trẻ em chịu hậu quả đầu tiên. Theo Bộ trưởng, rất quan trọng là phát hiện và tố giác. Như vụ cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất trước khi bị găm đinh vào đầu thì còn bị hành hạ nhiều cách khác. Nếu lúc trước bị tố giác thì đã ngăn chặn được các hành vi về sau
Giải trình thêm về bạo lực trẻ em trong gia đình, ông Tạ Quang Đông- Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng ở đâu chính quyền địa phương quan tâm thì tình hình sẽ tốt và ngược lại.