Chị Lã Ngọc Minh (Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội), giảng viên ở một trường đại học bức xúc cho biết, trước đây chồng chị là F0, sau đó đến mẹ già bị.
Tối 3/1, chị vào nhóm Nhóm Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà để hỏi về tình trạng của mẹ mình. Chị cho biết, mẹ chị là F0 được điều trị tại bệnh viện nhiệt đới Trung ương và đã được ra viện.
'Lúc bà vào cũng khá nặng may được các bác sĩ cứu chữa tận tình nên giờ đã âm tính và sức khoẻ ổn định.
Nhưng từ những ngày trong viện đến giờ khi về nhà mẹ không còn nhớ gì. Cả ngày chỉ biết ngồi bần thần ai bảo gì làm nấy, miệng liên tục nói không nhớ gì hết', chị Minh cho hay.
Mạo danh 'giám đốc chuyên môn BV Lão khoa' để lừa đảo bệnh nhân F0 cao tuổi
Lo lắng về bệnh tình của mẹ, chị vào Nhóm Bác sĩ Quân y hỗ trợ bệnh nhân F0 để tìm sự trợ giúp với mong muốn từ các bác sĩ 'cho lời khuyên về triệu chứng này' với câu hỏi 'gia đình có phải đưa bà đi khám chuyên khoa thần kinh không?'.
Sau ít phút đăng đàn xin tư vấn, người tên Thuỷ Tiên đã inbox cho trị, không kịp trả lời tin nhắn, người này vào thẳng bài viết xưng là bác sĩ bệnh viện Lão khoa Trung ương. Sau đó, tiếp tục inbox cho chị Ngọc Minh lúc 12h đêm.
'Người này nằng nặc đòi gọi nói chuyện luôn hẹn sáng mai đến xem bệnh cho bà và chèo kéo sẽ phải chữa lâu dài. Thấy em nghi ngờ thì sáng nay người này đã xoá comment trong bài', chị Ngọc Minh cho hay.
Trao đổi với phóng viên, chị Ngọc Minh cho biết, sở dĩ chị nghi ngờ vì khi vào kiểm tra nick Faceboook Thuỷ Tiên chị cảm thấy không uy tín. Khi chat thì dấu câu lủng củng, đặc biệt có chi tiết 'sẽ bàn với ban lãnh đạo bệnh viện' khiến chị Minh càng tin đó là lừa đảo.
'Làm gì mà mẹ mình VIP đến thế, được hẳn ban lãnh đạo bệnh viện lớn 'xin đám' để cùng tham gia thảo luận chữa trị.
Cũng từng rất hoảng loạn khi nhà có người mắc Covid-19, tìm cách chữa trị khắp nơi. Vì thế, tôi quyết định lên tiếng để cảnh báo mọi người vì nhiều nhà có F0 không tỉnh táo nhất là khi đang nguy hiểm, hoảng loạn gặp mấy người tự xưng bác sĩ, lại còn giám đốc chuyên môn, giám đốc 'TT chữa trị Covid-19' như thế này khác nào 'chết đuối vớ được cọc' sẽ rất dễ bị lừa', chị Ngọc Minh cho hay.
Nick có tên Thuỷ Tiên không chỉ xưng là Giám đốc chuyên môn BV Lão khoa Trung ương mà còn xưng là GĐ chuyên môn BV 103 kiếm giám đốc TT điều trị Covid-103
Không riêng chị Minh bị mạo danh nhằm lừa đảo, một người khác có mẹ bị F0 sau khi lên mạng tìm kiếm sự trợ giúp. Vẫn là tài khoản Thuỷ Tiên này lại 'nhảy vào' inbox giới thiệu là 'Giám đốc chuyên môn BV 103 kiêm giám đốc trung tâm điều trị Covid-103'.
'Ban đầu cứ tưởng bác sĩ tư vấn cho mình thật nên tôi tin sái cổ. Nhưng sau cứ thấy đòi gọi điện cũng hơi nghi nghi. Tiếp nữa cứ bảo mua máy rồi gọi điện liên tục tôi biết ngay là… lừa đảo nên đã chặn nick ngay', người phụ nữ này cho hay.
Trưa 4/1, trao đổi với phóng viên Infonet, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương TS. BS Nguyễn Trung Anh khẳng định: Không có bất kỳ nhân viên nào tên là Thuỷ Tiên tại Bệnh viện.
Thứ hai, bệnh viện chỉ chăm sóc người cao tuổi tại bệnh viện chứ không có một hoạt động nào bên ngoài. Nếu liên quan đến bên ngoài sẽ phải có những sự thống nhất, hợp tác một cách chính thống mà thường sẽ giao cho phòng CTXH làm đầu mối.
'Với tư cách giám đốc Bệnh viện, tôi khẳng định hiện nay không có bất kỳ hoạt động nào như thế. Đó là sự mạo danh, họ đang lợi dụng thương hiệu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương', TS. BS Nguyễn Trung Anh nhấn mạnh.
Liên quan tình trạng này, trước đó BS Nhật Minh Thắng, thành viên nhóm Nhóm Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà đã phải nhấn mạnh: Nhóm các bác sĩ sinh ra là để tư vấn chuyên môn, giúp đỡ các gia đình yên tâm vượt qua dịch bệnh.
'Tất cả đơn thuốc đều phổ biến, dễ kiếm và dễ mua tại bất kỳ hiệu thuốc nào gần nhà các gia đình. Hiện tại có 1 số thành viên vào nhóm để mời chào các loại thuốc cũng như dụng cụ y tế tới các gia đình.
Xin khẳng định đây không phải các thành viên nhóm bác sỹ. Các gia đình nâng cao cảnh giác, và chỉ cung cấp những thông tin cho chính các bác sỹ có tên trong danh sách nhóm tư vấn.
Các bác sỹ chỉ tư vấn cách dùng chứ không bán thuốc. Chúng ta hết sức nâng cao cảnh giác để có hành động đúng', bác sĩ Nhật Minh Thắng cảnh báo.
Từ kinh nghiệm từ bản thân, chị Ngọc Minh cảnh báo mọi người nên cẩn thận. Có rất nhiều inbox kiểu bác sĩ, dược sĩ hướng dẫn 'giúp' điều trị hoặc 'mách thuốc' đều có khả năng là hành vi lừa đảo. Nếu mình không tỉnh táo do đang lo lắng cho gia đình người thân mà tin lời chúng thì hậu quả khôn lường.