Dù dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp nhưng vẫn có rất đông người dân địa phương và du khách thập phương đến với Đền Trần (Nam Định) trong những ngày đầu năm Nhâm Dần. Du khách đến dâng hương, thăm viếng hầu hết đều tuân thủ biện pháp phòng dịch, đeo khẩu trang đầy đủ.
Đền Trần vẫn mở cửa cho du khách thập phương đến thăm viếng.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Trần Huy Chiến, Trưởng từ Đền Trần cho biết, từ năm ngoái, Đền Trần đã không tổ chức Lễ Khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng như thường lệ vì lý do dịch bệnh, nhưng vẫn mở cửa để người dân, du khách vào tham quan, thắp hương.
'Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người dân về dâng hương tại Đền Trần luôn tuân thủ quy tắc phòng chống dịch. Nhà đền luôn cử người nhắc nhở du khách đi vào bên tay phải, đi ra bên tay trái để tránh tiếp xúc và ùn tắc. Trong khi vào đền, du khách phải giữ khoảng cách, không chen lấn xô đẩy', ông Chiến cho hay.
Trong những ngày đầu năm mới, rất nhiều du khách từ các tỉnh thành đổ về Đền Trần (Nam Định) dâng hương và xin lộc đầu năm.
Du khách thập phương hầu hết đều tuân thủ biện pháp phòng dịch, đeo khẩu trang đầy đủ.
Biển nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch được treo ngay trước cổng chính vào Đền Trần.
Anh Đinh Quang Huy (Nam Định) cho biết: 'Tôi đã lên Hà Nội đi làm từ ngày mùng 5, tuy nhiên, hôm nay được một số người rủ về quê đi lễ Đền Trần nên tôi cùng một số người bạn về đây để cầu may mắn, bình an cho mình và gia đình trong năm mới'.
Tất cả mọi người đến đều thành tâm cầu bình an.
.
Mọi người đều được thông báo phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, khử khuẩn...
Trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần có khoảng hơn 10.000 lượt khách đã tới dâng hương tại khu di tích Chùa Tháp - Đền Trần.
Theo thông lệ, nếu không bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Lễ Khai ấn Đền Trần - Nam Định diễn ra từ ngày 14 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Tối 14 bắt đầu nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, rồi làm Lễ Khai ấn vào đúng giờ Tý… Sau đó khách thập phương vào đền tế lễ, xin lá ấn với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.
Bốn chữ 'Tích phúc vô cương' trên ấn là Nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững. Đó là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn.