Ảnh minh hoạ
2 tuần sau khỏi Covid-19 vẫn mất khứu giác, nhìn thấy vợ là… sợ
Thông tin từ BV Đa khoa Đức Giang cho biết, từ ngày đưa phòng khám hậu Covid-19 (24/1), trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho khoảng 20- 40 bệnh nhân.
TS. BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho biết bệnh nhân đến khám chủ yếu gặp vấn đề về hô hấp. Các bác sĩ tại phòng khám đã hướng dẫn các bài tập thở, cách chăm sóc sức khỏe để mau chóng hồi phục.
Tương tự, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng – thành viên trong nhóm Bác sĩ quân y đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19 trong suốt thời gian hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân tại Hà Nội cũng nhận được nhiều thắc mắc của bệnh nhân sau khi đã khỏi Covid-19.
Trung bình mỗi ngày BS Hoàng cùng các thành viên trong nhóm thường xuyên tư vấn online cho khoảng hơn 60-70 F0 mới và hơn 30 F0 cũ mỗi ngày.
BS Hoàng cho biết, nhiều người sau khi khỏi Covid-19 trong đó không ít người trẻ cho biết khi đang dương tính thì 'khỏe như vâm' nhưng 1 tháng sau khỏi bệnh thì sức khỏe giảm sút, đi lại leo một đoạn cầu thang đã… mệt mỏi, thở dốc, nói vài câu đã hụt hơi…
Anh Nguyễn Văn M. (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, anh mắc Covid-19 vào ngày 20 tháng Chạp (cách đây gần một tháng). Anh đã tiêm2 mũi, trước khi mắc Covid-19 anh hoàn toàn khoẻ mạnh, bình thường.
Khi mắc Covid-19 anh cũng chỉ mất một ngày sốt nhẹ, trước đó có ngứa họng, đau người một chút.
'Về cơ bản, chỉ như cảm cúm thoáng qua thôi. Không có gì đáng sợ. Thế nhưng hậu Covid-19 thì thật đáng sợ. Người tôi lúc nào cũng uể oải, mỏi mệt, đêm giấc ngủ chập chờn. Chỉ cần leo mấy bậc cầu thang đã cảm thấy đuối sức. Đáng lưu ý, sau 2 tuần khỏi bệnh, tôi vẫn bị mất khứu giác – gần như không ngửi thấy bất cứ thứ gì. Chỉ mắm tôm hay cái gì thật nặng mùi được dí sát vào mũi mới có thể nhận ra.
Thậm chí ngay cả… chuyện ấy, trước đây đều đặn tuần/2 lần thì đến giờ tôi không còn cảm thấy hứng thú', anh M. cho hay.
Người đàn ông này đã phải tìm đến phòng khám hậu Covid-19 để được tư vấn, chữa trị.
Người bệnh nhẹ, nặng hay nguy kịch đều cần được theo dõi
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề hậu Covid-19, tuy nhiên lý giải tình trạng này, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – thông tin có giả thiết cho rằng với F0 thể nhẹ sau khi khỏi bệnh, cơ thể sinh ra các kháng thể tự miễn, tấn công và chống lại cơ thể mình, gọi là phản ứng tự miễn gây ra tình trạng viêm.
Còn với bệnh nhân tương đối nặng, có tình trạng đông máu, tắc mạch sau đó cục máu đông trôi đi, gây tình trạng tắc các vi mạch ở nơi khác.
Đồng quan điểm này, BS Hoàng nhận định nguyên nhân của biểu hiện này có thể là hậu quả viêm toàn thân do Covid-19 'phát tác' sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng.
Theo BS Hoàng, tình trạng viêm toàn thân lan toả này khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi... còn trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi.
Hai vấn đề này (viêm toàn thân và rối loạn đông máu) ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải (như natri, kali, clo, canxi...) khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm, nên bệnh nhân cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức như trước.
Vậy tại sao khi đang dương tính, bệnh nhân thấy bình thường nhưng khỏi rồi lại rất mệt mỏi, chân tay yếu...?
Trả lời câu hỏi này, BS Hoàng cho rằng đó là do lúc đầu, tình trạng viêm chưa lan toả toàn thân mà còn khu trú ở một số cơ quan trên cơ thể. Sau đó, tình trạng viêm dù nhẹ nhưng lan toả toàn thân, kết hợp với tình trạng rối loạn đông máu ở các mạch máu nhỏ khiến cơ thể có những triệu chứng trên đây, dù người bệnh đã âm tính cả tháng trời.
Điều này có nghĩa là, tình trạng viêm có thể đã diễn ra từ khi bệnh nhân dương tính nhưng không biểu hiện rầm rộ mà khi âm tính rồi mới 'phát tác'. Ngoài ra, trong giai đoạn cấp khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch phải 'gồng lên để chiến đấu' với virus, huy động toàn bộ cơ thể 'xung trận', nhưng sau đó hậu quả là, cơ thể bị kiệt quệ năng lượng.
Trước tình trạng này, TS.Nguyễn Văn Thường – Giám đốc bệnh viện đa khoa Đức Giang khuyến cáo, tất cả bệnh nhân Covid-19, bao gồm người bệnh nhẹ, nặng hay nguy kịch, đều cần được theo dõi, đánh giá và điều trị toàn diện các biến chứng và di chứng kéo dài của bệnh.
Theo đó,các chuyên gia khuyến cáo những người xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19 điều chỉnh chế độ ăn uống, cố gắng vận động nhẹ nhàng, kiên trì và quan trọng là phù hợp sức khoẻ.
Với những người sau khi khỏi Covid-19 vẫn rơi vào tình trạng khó thở cần bình tình và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương. Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex. Mệt mỏi thì nên cố gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý...
Người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen suyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu Covid-19. Người có biểu hiện đau nhức xương khớp, cơ thể nên sử dụng thuốc xoa bóp, uống giảm đau, tăng cường tập luyện vận động, làm việc nhà nhẹ nhàng.