Trong những ngày qua số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng lên các ca trong cộng đồng luôn lập kỷ lục mới. Ngày 27/12, Hà Nội với 1.948 ca mắc đứng đầu cả nước, nhiều quận nội thành Hà Nội đã chuyển sang cấp độ 3, tức vùng có nguy cơ cao.
Đặc biệt là số ca trở nặng cũng tăng. Ví dụ ngày 26/12, Hà Nội có 330 ca trở nặng, tăng hơn 10 % so với trước đó.
Theo số liệu của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Hà Nội ghi nhận 112 ca tử vong từ đầu mùa dịch, chiếm tỉ lệ 0,3% trên số mắc, thấp hơn nhiều tỉnh thành, trong khi Hà Nội đang ở trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc mới, số đang điều trị, số ca chuyển nặng cao nhất cả nước.
Giảm tử vong và trở nặng thì thành phố cần nhanh chóng tiêm vét cho người còn sót.
Đánh giá về tình hình dịch ở Hà Nội, PGS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng các sự kiện y tế khẩn cấp, Bộ Y tế, cho biết Hà Nội cần phải siết chặt hơn, kiểm soát được số ca mắc.
Theo PGS Phu, với thực tế ca bệnh tăng mạnh gần 2.000 ca trong một ngày như hiện nay có thể gây quá tải tới các cơ sở y tế, khi quá tải thì có thể xảy ra nhiều 'thảm hoạ'. PGS Phu cho rằng ở thời điểm này, thành phố cần phải xem xét thật kỹ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoạt động nào thiết yếu vẫn cho hoạt động nhưng kiểm soát an toàn, hoạt động nào không thiết yếu có thể ngừng.
Ví dụ như các hoạt động liên hoan, đám cưới, đám tang cần quy định chặt chẽ hơn. Việc đi lại ở các địa phương đảm bảo an toàn, bên cạnh đó tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Thực tế hiện nay, PGS Phu cho biết, Hà Nội phải kiểm soát các tiêu chí như số ca mắc nặng, ca nhập viện, số lượng tiêm chủng vắc xin; đặc biệt hệ thống y tế trong đó có hệ thống y tế cơ sở phải tư vấn, điều trị, theo dõi kịp thời.
Công tác phân tầng người bệnh phải triển khai trơn tru, thực hiện thật tốt các trường hợp F0 nào có nguy cơ, F0 nào nguy cơ ít để không gây quá tải hệ thống y tế cũng như giảm số ca tử vong.
PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định số ca mắc ở Hà Nội tăng khó tránh khỏi vì khi hoạt động kinh tế xã hội mở cửa, sự đi lại, giao lưu của người dân tăng thì kiểm soát ca mắc sẽ khó hơn.
PGS Dũng cho biết rút bài học từ TP.HCM, Hà Nội cần nhanh chóng rà soát lại đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Khi Hà Nội tiêm vắc xin thì các quy định tiêm vắc xin đã nới lỏng hơn như người có bệnh nền, người bị tăng huyết áp đều được tiêm nhưng chắc chắn vẫn sót. Đây là đối tượng cần bảo vệ nhất.
PGS Dũng cho rằng các tuyến y tế phường, xã cùng chính quyền phải rà soát lại toàn bộ các trường hợp trên 50 hoặc trên 60 tuổi, những người có bệnh nền chưa được tiêm vắc xin. Có thể triển khai chiến dịch 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để lập danh sách, tuyên truyền giáo dục việc cần phải tiêm vắc xin cho người dân có thể huy động các bệnh viện cùng triển khai tiêm cho họ.
Với số ca mắc tăng không đáng ngại nhưng số ca tử vong và trở nặng năng thì rất đáng lo. Tuy nhiên, ở mặt tích cực nào đó thì người dân cũng không nên hoang mang vì xu thế này giống với các quốc gia trên thế giới như Singapore sau khi tiêm vắc xin số ca mắc vẫn tăng nhưng số ca tử vong, nguy kịch trong tầm kiểm soát.
PGS Dũng cho rằng người dân nên bình tĩnh, không nên quá hoang mang mà nên làm ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và gia đình. Mọi người cần rà soát lại các thành viên tuổi từ 50 trở lên chưa được tiêm vắc xin nên đăng ký tiêm vắc xin để phòng nguy cơ trở nặng nếu mắc bệnh. Khi tiêm vắc xin người trẻ thường không có triệu chứng nhưng người già lại nguy hiểm.
Điều PGS Dũng lo ngại trong đợt nghỉ lễ tới người dân đi lại nhiều hơn cần chú ý mình ở vùng cam hay vàng để đảm bảo an toàn.
Thực tế, công tác tiêm vắc xin đã tốt hơn giai đoạn trước nhưng nhiều tỉnh vẫn sót rất nhiều người cao tuổi chưa được tiêm vì vậy người trẻ phải bảo vệ người già, hạn chế đi lại – PGS Dũng khuyến.